10 điểm dừng chân trong chuyến du lịch mùa thu ở Phú Yên
Ở Phú Yên, mùa nắng kéo dài từ tháng 3 đến cuối tháng 9 và mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 2 năm sau... bởi thế thời điểm thích hợp nhất để tới Phú Yên thường là đầu hè cuối xuân. Tuy nhiên một chuyến đi vào mùa thu cũng là sự lựa chọn tuyệt vời trước khi bão đến.
Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch bởi nơi đây sở hữu phong cảnh thiên nhiên đẹp, chi phí đi lại rẻ, đa dạng và dịch vụ lưu trú thuận tiện. Nếu đã một lần tới Phú Yên du khách không thể bỏ qua những địa danh như bến tàu không số Vũng Rô, mũi hải đăng Đại Lãnh, ghềnh đá đĩa, nhà thờ Mằng Lăng...
1. Khu di tích bến tàu không số Vũng Rô
Từ sân bay Tuy Hòa, chạy ô tô dọc theo đường ven biển về phía Nam khoảng 30 phút đồng hồ là tới khu di tích bến tàu không số Vũng Rô. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là một bến quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi tiếp nhận vũ khí do những con tàu Không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Khu di tích bến tàu không số Vũng Rô
Nơi đây ngoài biểu tượng tàu không số, còn có sân vườn, bãi đậu xe, nhà trưng bày với những hình ảnh, tư liệu liên quan đến di tích, nhà đón tiếp, đường ra nơi xác con tàu 143 bị phá hủy…
2.Bãi Tiên
Bãi Tiên nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Do ở phía ngoài biển có những dãy núi nhỏ và bán đảo che chắn nên nước ở khu vực Bãi Tiên khá nông. Bên trong núi chạy kẹp sát tạo nên phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ cùng các loại hải sản ngon quanh năm.
Bãi Tiên
Có nhiều truyền thuyết về Bãi Tiên. Theo lời kể của một số người dân địa phương, bãi Tiên xưa vốn gọi là bãi Trù, bãi Mắm. Lúc đó chưa có đường thông quan, cây cối um tùm rậm rạp. Người dân địa phương dựa vào cây để làm trại, làm chắn đánh bắt thuỷ sản. Đêm đêm dân chúng phân nhau ra canh gác… Một hôm trăng sáng, ngư dân nằm mơ màng trên ghe bỗng nghe tiếng quẫy nước như có đàn cá đang khua động vượt vũ môn. Thấy lạ, họ mở mắt ra thì thấy một bầy tiên nữ tắm trong đầm, tiếng cười đùa lao xao trong tiếng sóng. Các ngư dân nhẹ nhàng bơi thuyền tới gần để nhìn cho rõ nhưng tiếng động của mái chèo khua nước đã phá vỡ sự yên tĩnh khiến những nàng tiên kiều diễm vụt biến mất, trong không gian chỉ còn thoang thoảng mùi thơm. Đêm sau và những đêm sau nữa, các ngư dân chia nhau canh giữ hòng khám phá điều kỳ diệu nhưng các tiên nữ không bao giờ xuất hiện. Dân làng cũng vì thế mà đổi tên bãi Trù thành bãi Tiên.
3.Mũi Đại Lãnh
Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Nó vừa giống nó một ngọn núi, lại giống một hòn đảo vì có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền nhưng thực chất lại là đất liền... Mũi Đại Lãnh có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng, và có ngọn hải đăng lớn cho tàu thuyền trong khu vực.
Mũi Điện là điểm đầu tiên thuộc lãnh thổ Việt Nam đón bình minh, khi mặt trời dần ló rạng từ phía chân trời. Khách du lịch có thể ngồi từ mũi Điện đón những ánh nắng đầu tiên bắt đầu chiếu rọi xuống mặt đất.
Dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Ở phía tây của Bãi Môn có một con suối nước ngọt. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông.
4. Chùa Thanh Lương
Chùa Thanh Lương tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam, Xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 10 km về phía Bắc
Vào cuối năm 2004, ngư dân nơi đây phát hiện và vớt được một pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng gỗ trôi dạt vào bờ biển. Pho tượng được đưa về chùa Thanh Lương và thờ cúng cho đến nay. Pho tượng được làm bằng gỗ quý trong dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2 mét, ngang 0,6 m, nặng 74 kg.
5. Gành Ông, Bãi Xép
Gành Ông, Bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên) là địa danh xuất hiện trong trong phân cảnh lũ trẻ thả diều của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh.
Để đến được Gành Ông, du khách phải đi bộ dọc bãi biển Bãi Xép. Gành Ông chính là một tác phẩm độc đáo từ đá dưới bàn tay thiên nhiên. Phóng tầm mắt ra xung quanh, du khách sẽ thấy sự pha trộn của đủ loại địa hình, dưới chân tựa như thảo nguyên rộng lớn, trước mặt là biển cả mênh mông
6.Đầm Ô Loan
Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía Đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm có diện tích hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét; mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Trong đầm có nhiều loại hản sản quý như cá mú, sò huyết, ghẹ... Hiện nay đầm Ô Loan đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi việc đắp đập khoanh vùng để nuôi thủy sản vì nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
7. Ghềnh Đèn
Nằm trải dọc theo đường bờ biển chừng 1km, ghềnh Đèn được tạo tác từ những tảng đá nhẵn, với đủ loại hình dáng, kích thước nằm xen kẽ nhau tạo thành nhiều hốc đá nhỏ và bãi đá dựng đứng đón những cơn sóng xô bờ tung bọt trắng xóa.
Bên cạnh ghềnh Đá Đĩa hùng vĩ là một gềnh Đèn đẹp đến nao lòng người. Ghềnh đèn cho đến nay vẫn lưu giữ được nét đẹp hoang sơ với những tảng đá lớn trải dài dọc bãi biển...
Sự tương phản của màu sắc giữa đất đá và biển cả tạo nên không gian đẹp tuyệt vời.
Nổi bật trên gành đá hoang sơ mộc mạc là hình ảnh ngọn hải đăng ghềnh Đèn với hai màu trắng – đỏ sừng sững giữa nền trời. Hải đăng gành Đèn giúp điều hướng hoạt động ra vào của tàu thuyền trên vùng biển Phú Yên, cụ thể là đoạn vịnh Xuân Đài và vũng Chào.
8.Ghềnh Đá Đĩa
Từ ghềnh Đèn đi bộ một quãng ngắn thì tới Khu Du lịch Ghềnh Đá Đĩa. Nếu du khách đến ghềnh Đá Đĩa buổi sáng sẽ bắt gặp hình ảnh ghềnh Đá Đĩa xuôi sáng...
Nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, ngay ngắn cùng vươn mình ra biển. Bãi đá với hàng nghìn phiến đá óng lên màu đen huyền bí nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Những trụ đá hoặc nghiêng nghiêng theo thế tiến ra biển, hoặc xếp thẳng đứng chồng chất, cao thấp khác nhau tựa như những chồng dĩa xếp ngay ngắn.
Khung cảnh những khối đá khổng lồ hứa hẹn sẽ là không gian sáng tạo cho những bức hình độc đáo
9.Nhà thờ Mằng Lăng
Nhà thờ Mằng Lăng nằm ngay gần ngã ba Chí Thạnh, là nơi lưu giữ cuốn sách giáo lý quốc ngữ cổ nhất Việt Nam. Đến đây du khách sẽ được thưởng thức phong cách kiến trúc Gothic cổ điển từ hơn 1000 năm trước với những họa tiết trang trí tỉ mỉ.
10. Tháp Nhạn
Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác, 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao khoảng 23,5m. Mỗi cạnh chân tháp dài 10m. Tương truyền, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi… để mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để thờ phụng.
Tháp Nhạn
Ngoài 10 địa danh kể trên, tùy theo điều kiện thời gian du khách có thể ghé thăm thêm các địa danh khác của Phú Yên như: Vịnh Xuân Đài, kè chắn xóm Rớ, cầu ông Cọp, Núi Ông, đèo cả, vực phun, đập Đồng Cam, đập Tam Giang, hòn Chùa, hòn Nưa, đảo Điệp Sơn, cù lao Mái Nhà, cao nguyên Vân Hòa... Đây đều là những điểm đến sở hữu phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời, hứa hẹn đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
Bài viết có sử dụng hình ảnh tư liệu từ Câu chuyện chuyến đi "Ba ngày cho hết Phú Yên" của thành viên TranQuang83 và "Hai ngày chưa khám hết Quy Nhơn" của thành viên Hotboy8X866, diễn đàn Otofun.net
Tuấn Nguyễn
http://vnmedia.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.