4 món ăn từ mắm ở miền Tây cứ ăn vào là ‘nghiện’ ngay
Mảnh đất miền Tây hiền hòa không chỉ có những địa danh đẹp, địa điểm du lịch nổi tiếng mà nơi đây còn có những món ăn từ mắm thơm ngon hấp dẫn, khiến ai khi đã thưởng thức sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.
Lẩu mắm
Cái tên lẩu mắm thoạt đầu làm ta ngại ngần, nghe thôi đã thấy mặn và hơi khó ngửi rồi. Vậy mà chỉ cần một lần làm quen với món ăn ấy, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên và thích thú. Lẩu mắm không hề mặn, ngược lại vị ngọt tự nhiên và đậm đà vô cùng, đặc biệt mùi thơm đặc trưng của nó sẽ theo bạn dai dẳng đến nỗi khó quên.
Đó cũng là lý do mà khi nhắc đến món ăn từ mắm ấy, những người con miền Tây xa xứ có thể ngồi say sưa kể chuyện cho đến khi nồi lẩu cạn nước và sạch rau.
Đó là câu chuyện về những ngày chăn trâu, lội suối, tắm sông, tát đìa bắt cá,… là những buổi chiều mưa ngồi ngửi mùi mắm thơm lựng làm cho cái bụng "khó ưa" réo gọi đòi ăn, là những ngày đi hái bông súng về ăn với mắm kho, là những buổi trưa gió mát ngồi râm ran đủ thứ chuyện với người thân bên nồi lẩu mắm.
Lẩu mắm – món ăn chỉ cần một lần thử là bạn sẽ phải vô cùng thích thú. Ảnh: grabtourist
Món lẩu mắm được chế biến phát triển dựa trên món mắm kho dân dã thường nhật trong bữa cơm của người dân miền Tây. Hai loại mắm chuyên dùng để nấu món mắm kho là mắm cá sặc và mắm cá linh.
Con mắm được cho vào nươc nấu cho rục xương, và lọc lấy phần xương ra ngoài. Để món ăn không quá nặng mùi người ta thường phi thơm sả và cho cây ngãi bún vào nấu cùng với mắm, thêm nước cốt dừa cho nước ăn ngọt tự nhiên.
Lẩu mắm được chế biến phát triển dựa trên món mắm kho. Ảnh: momfood
Cách chế biến món lẩu mắm cũng hoàn toàn giống với món mắm kho, chỉ khách thành phần nguyên liệu và cách ăn có phần cầu kỳ hơn. Nước dùng lẩu có thêm nước hầm xương heo để ngọt ngon hơn và khi ăn nước dùng được đặt trên nồi lẩu để sôi lâu.
Lẩu mắm quy tụ tất cả các loại cá thịt một cách hào phóng, tôm, mực, lươn, cá, thịt tùy ý thích người ăn. Phần rau ăn với lẩu mắm cũng được đầu tư kỹ hơn, tính nhẩm thì đĩa rau ăn với lẩu cũng trên chục loại: bông súng, rau nhút, hẹ, ngò, cải xanh, rau muống, rau ngổ, cần nước, đậu rồng, tai tượng, bông lục bình, rau đắng, bông so đũa, bông điên điển, giá, bắp chuối,… tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực đồng quê Nam Bộ.
Nồi nước dùng đậm đà hương vị thơm ngon. Ảnh: macramela
Chờ nồi lẩu sôi, lần lượt cho tôm, thịt, cá vào. Rau thì để vừa chín tái rồi vớt ra. Vị béo, ngọt tự nhiên của đủ thứ, tôm, cá, thịt kết hợp với vị mắm từ nước lèo vừa lạ vừa quen, làm vị giác của thực khách tha hồ nhảy múa.
Rau ăn vào lại thấy giòn giòn, vừa thấm được vị mắm mà không mất vị rau. Chan miếng nước lèo vào chén bún, lùa một hơi mới cảm nhận được cái vị mắm đã được chan hòa với nước dừa, nước hầm xương, ngọt ngọt và đậm đà khó tả.
Hương thơm từ nồi lẩu tỏa ngát vào không gian ấm cúng, làm cho con người ta thấy an bình, dung dị và khoan khoái lạ thường. Bao nhiêu chật vật, buồn lo xuôi ngược tan biến, tim ta lại rộn rã những bình yên của thực tại.
Rau ăn kèm với lẩu cũng vô cùng đa dạng. Ảnh: toplist
Bông súng mắm kho
Từ xa xưa, bông súng mắm kho đã là món ăn quen thuộc của những người dân miền Tây mỗi mùa nước lên. Cũng giống như bông điên điển, bông súng bừng nở một góc trời, từ súng trắng đến súng tím đua nhau khoe sắc, không chỉ làm đẹp cho đất trời mà còn là món ăn dân dã, độc đáo của người dân nơi đây đã trở thành một phần của đặc sản miền Tây Nam Bộ.
Món ăn được sử dụng từ những bông súng ở miền Tây. Ảnh: travel
Mắm kho thì có thể dùng các loại như mắm lóc, mắm sặc... Nhưng đặc sản mùa nước nổi vẫn là mắm cá linh. Bắt đầu từ cuối tháng 8 dương lịch hàng năm, cũng là lúc cá linh xuất hiện, khi lũ đầu mùa, cá từ Biển Hồ trôi về hạ lưu. Món ngon trời ban có hạn, thời gian người dân có thể thưởng thức món cá này chỉ chừng 3 tháng, nhưng đúng ra ngon nhất chỉ trong khoảng hai tháng đầu.
Hương vị vô cùng cuốn hút mà không phải món ăn nào cũng có thể làm được. Ảnh: loveitopcdn
Món ăn rất đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà khi một ai đến vùng Đồng Tháp Mười được nếm thử nó phải xuýt xoa, trầm trồ.
Để chế biến món này cũng khá công phu. Muốn kho mắm ngon phải kho bằng nước dừa tươi. Trước tiên, cho mắm vào nồi, rồi nước dừa vào xâm xấp, bắc lên bếp nấu tới khi mắm rã nhừ thì nhắc xuống lọc kỹ, bỏ xương, lấy nước.
Nấu sôi nước mắm mới lọc, sau đó nêm gia vị, để thịt ba rọi xắt mỏng vào, nồi mắm kho càng thơm ngon và đậm đà hương vị hơn, mỡ trong thịt tươm ra hòa quyện vào nồi mắm, làm cho nước dùng thơm và béo.
Để chế biến món ăn này cũng khá công phu. Ảnh: loveitopdn
Ngoài ra chúng ta còn có thể làm phong phú thêm nồi mắm với những món khác như là cá rô đồng, cá lóc hay tép đất càng ngon cuối cùng cho sả, ớt vào. Ngoài ra, nguyên liệu không thể thiếu của món này là bông súng, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng của vùng Đồng Tháp ăn mới mềm, ngọt, đúng điệu.
Nguyên liệu để làm nên món bông súng mắm kho. Ảnh: phuonghanh
Mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon, mùi thơm đặc trưng của mắm hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, béo béo của thịt ba rọi, vị ngọt của tép đồng, giòn của bông súng và mùi thơm của các loại rau sống tạo nên hương vị tuyệt vời, đậm chất đồng quê làm cho chúng ta không khỏi nuốt nước miếng mỗi khi nhắc đến.
Món ăn phải ăn khi còn nóng mới ngon. Ảnh: halotravel
Món mắm kho bông súng đã từng làm nức lòng bao du khách, thực khách khó tính khi một lần dừng chân ở xứ sở sen hồng. Món ăn tuy đơn sơ, dân dã, ít tốn kém, ai nấu cũng được, vừa bổ vừa ngon và đậm đà hương đồng gió nội nhưng đó cũng chính là cái hồn của người dân Đồng Tháp Mười thật thà, phóng khoáng, chân tình.
Bún mắm
Du lịch Trà Vinh không chỉ hấp dẫn du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người chân chất mà những món ăn ngon cũng làm nên nét riêng của vùng đất trù phú này. Trong đó, bún mắm được xem là một đặc sản nổi tiếng vùng sông nước mà bạn không nên bỏ lỡ.
Du lịch miền Tây bạn không thể bỏ qua món bún mắm. Ảnh: baomoi
Bún mắm có hương vị thơm ngon, tuy không phải cao lương mỹ vị nhưng khi nhắc tên cũng đủ tạo cảm giác thèm thuồng. Món ăn này có nguồn gốc từ Campuchia, làm từ mắm hốc, được du nhập vào miền Tây rồi được người dân biến tấu, sáng tạo rồi vô tình trở thành... “cực phẩm”.
Bún mắm có hương vị thơm ngon. Ảnh: photo
Riêng người Việt lại thích dùng mắm cá linh hay cá sặc vì chúng mang được hương vị riêng, phù hợp với ẩm thực vùng miền. Mùa nước nổi, cá linh từ thượng nguồn về nhiều nên người dân có thể đem bán hoặc dùng làm mắm.
Đó lại là nguyên liệu chính tạo nên món ăn hấp dẫn khách tứ xứ khi đến du lịch miền Tây. Muốn nấu bún mắm ngon, đòi hỏi người làm mắm phải có nhiều kinh nghiệm và rất công phu.
Mắm được dùng là mắm cá linh hoặc mắm cá sặc. Ảnh: toplist
Đối với những người đã ăn được bún mắm một lần thì chắc chắn sẽ không thể nào quên được. Món này phải để ý đến nước dùng sao cho đậm đà, có vị ngọt ngọt và béo béo trong cách nêm nếm thì mới chuẩn vị.
Ngoài ra, đó còn là sự kết hợp giữa nhiều loại gia vị khác như: xả, ớt, hành, tỏi,… Mỗi nhà sẽ có một công thức riêng, nhưng thường sẽ cho vào nước dùng thịt heo quay, cá lóc và ăn kèm với nhiều loại rau dân dã: cà tím, rau muống, rau đắng, rau nhút, hẹ, bông điên điển,…
Mẹt rau siêu chất lượng để ăn kèm với bún mắm. Ảnh: pinimg
Món bún mắm miền Tây đặc biệt ở chỗ, dù làm từ mắm nhưng lại rất thơm và ngon, không có một chút mùi tanh nào. Các nguyên liệu hòa quyện với nhau rất “ăn ý”, ngon nhất khi ăn kèm với bún, nhìn mà không cầm lòng được!
Đây là món ăn dân dã mà khiến nhiều người phải nghiện. Ảnh: photo
Du lịch miền Tây đặc biệt là ở Trà Vinh và Sóc Trăng, được thưởng thức được món bún mắm đậm đà xem như đã hiểu thêm một nét văn hóa ẩm thực mới. Không cao sang, không cầu kỳ, đây là món ăn đơn giản của những người dân quê mộc mạc, chân chất.
Hiện nay, bún mắm xuất hiện ở hầu hết các vùng miền. Tuy nhiên, thơm ngon và đậm đà nhất thì vẫn là bún mắm miền Tây Nam Bộ.
Mắm chưng
Không đậm mùi như những món ăn từ mắm miền Tây phía trên, mắm chưng sẽ là lựa chọn cho những ai còn ngại miệng với hương vị này. Đây là sự kết hợp giữa chén mắm cốt cùng với thịt băm, trứng, củ hành, nấm mèo và gia vị. Tất cả được trộn đều lên để từng thành phần đan xen vào nhau tạo nên sự phong phú của vị giác trong từng miếng mắm chưng.
Mắm chưng không đậm mùi như những món món khắc. Ảnh: slatic
Sau khi hấp cách thuỷ, món sẽ ráo nước nhưng vẫn giữ được độ ẩm, mềm rất hấp dẫn. Trong vị beo béo của thịt băm, trứng thơm thơm hay gion giòn của củ hành là mùi mắm thoang thoảng khiến người ta ngất ngây. Chút mặn ngọt, cay the lại kết hợp cùng nhau.
Đôi khi còn được cho thêm trứng muối để tạo độ bùi bùi cho món ăn. Trứng chưng thường được ăn cùng cơm và là một điểm nhấn không thể thiếu của đĩa cơm sườn mà chúng ta hay ăn đấy.
Món mắm chưng được ăn kèm với cơm. Ảnh: tieudungplus
Nếu chưa từng được thưởng thức những món ăn từ mắm ở miền Tây đậm chất dân dã, vừa dễ dãi vừa cầu kỳ ấy thì hãy thử ngay thôi. Để tự mình khám phá điều bí mật trong hương vị món ăn đã làm biết bao nhiêu con người, dù đi bốn phương trời vẫn không quên được. Và nếu bạn là một người con của đất trời Nam Bộ, hãy thưởng thức và cảm nhận niềm hạnh phúc to lớn khi ta có một vùng quê để nhớ về.
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.