6 ngôi làng đẹp nhất Trung Quốc
Làng Hà Ni
GD&TĐ - Với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, không khí trong lành và đời sống thuần nông, 6 ngôi làng này vẫn giữ được nhịp sống chậm rãi và yên bình rất đáng hưởng thụ.
1. Ngôi làng Đan Ba thuộc địa giới huyện Đan Ba, châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư (Tứ Xuyên, CHND Trung Hoa), nơi xưa kia có những ngôi nhà hình dạng tháp canh và pháo đài. Nhà tháp canh và nhà pháo đài là 2 dạng nhà phổ biến ở đây, theo thời gian, 2 kiểu này đã sát nhập lại với nhau.
Những ngôi nhà kỳ lạ này thường có 3 hay 4 lớp, và mỗi bên lại có một chái phòng. Dù cho nhà có được xây dựng như thế nào thì nó cũng được bao quanh bởi những dải ruy-băng 3 màu vàng, đen, trắng, tạo thành một ngôi làng Hán - Tạng đặc thù.
Làng Đan Ba nằm ở cổng phía Đông của Khu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư. Diện tích nơi đây vào khoảng 5.649km2, quanh làng Đan Ba là những cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Một nơi có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ xưa cũ và hiện đại.
2. Ngôi làng Hà Ni nằm ở phố cổ Nguyên Dương, cách thành phố Nguyên Dương khoảng 6km, là nơi sinh sống của cộng đồng người Hà Ni bản địa của tỉnh Vân Nam. Toàn thể ngôi làng Hà Ni chiếm một nửa ngọn núi với độ khoảng 150 nóc nhà, và hơn 800 dân cư.
Bầu không khí trong làng quánh đặc những câu chuyện dân gian. Cây cối mọc dày đặc quanh khuôn viên của làng và tiếng chim hót véo von.
Chỉ cần vài tiếng đi bộ khắp làng Hà Ni là đủ để cho du khách cảm nhận bản chất của nền văn hóa ruộng bậc thang Hà Ni, du khách cũng có thể ngắm các ngôi nhà nấm của người Hà Ni, nghề chạm khắc gỗ, kênh nước, cối xay gió và những thứ khác. Ngoài ra du khách còn tha hồ chiêm ngưỡng những bộ quần áo truyền thống của người Hà Ni cùng cuốc, xẻng, đồ cày bừa, khung cửi dệt vải, và không quên khám phá những dòng suối nước trong vắt như pha lê.
3. Ngôi làng Tuwa có hình dáng một cái thanh dài, vì những túp lều bằng gỗ dựng nên ở đây nên nó có hình dạng như thế. Rừng thông đẹp mộng mơ mọc quanh làng. Những ngọn núi bao bọc quanh làng Tuwa như đôi bàn tay to ôm trọn lấy làng.
Làng Tuwa nằm ở huyện Bố Nhĩ Tân thuộc Tân Cương, nơi đây có khoảng 2.000 người Tuwa đang sinh sống. Họ vẫn duy trì lối sống như thời xa xưa. Khu vực thung lũng hẹp có độ 80 người dân Tuwa đang sinh sống.
Vào mùa hè, những đỉnh núi tuyết trắng ở làng Tuwa được phủ màu xanh cây cối. Những túp lều của người nằm rải rác trong cánh rừng thông. Trong làng còn có những cụm cây bạch dương nằm rải rác ngay chính giữa rừng thông; với nhiều cành nhánh nên những tán cây bạch dương như những chiếc dù màu trắng khổng lồ.
Đằng sau làng Tuwa là đỉnh Hữu Nghị nằm giữa biên giới Trung Quốc và Nga, và những cơn gió từ Siberia thổi sang làng Tuwa khiến bầu không khí nơi đây mát mẻ lạ thường.
4. Ngôi làng Triệu Tinh Đông nằm ở Châu tự trị dân tộc Miêu thuộc Khu tự trị Kiềm Đông Nam (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc). Ngôi làng này được xây dựng trên những thửa đất bằng phẳng bao quanh là núi non, còn có một dòng suối nhỏ chảy qua làng.
Kiến trúc trong làng là những ngôi nhà dựng bằng gỗ cây linh sam nên còn gọi là nhà Diaojiao (nhà sàn) là một kiểu kiến trúc cổ xưa. Mỗi ngôi làng cổ ở đây có một tòa tháp trống độc đáo, nó là một biểu tượng may mắn cũng là biểu tượng nền văn hóa của người Đồng.
Triệu Tinh còn nổi tiếng bởi những ngôi làng người Đồng thuộc loại lớn nhất Trung Quốc. Mỗi ngôi làng này lại có một tháp trống dựng bằng gỗ và không sử dụng đinh, và có thể cao tới 30m. Một nơi để dân làng tổ chức các sự kiện đặc biệt như lễ cưới và gặp mặt.
Người Đồng có lịch sử lâu đời như nhà Thanh. Vì không có ngôn ngữ viết, nên ca hát đã trở thành một phần sinh hoạt quan trọng của người dân nơi đây.
5. Vụ Nguyên nổi tiếng khắp thế giới bằng lời phong tặng “miền nông thôn đẹp nhất Trung Hoa” với ít nhất 50 ngôi làng cổ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Giang Tây và nằm gần 2 thắng cảnh nổi tiếng là núi Hoàng Sơn và Cảnh Đức Trấn.
Vụ Nguyên là nơi lưu giữ những kiến trúc cổ xưa được bảo tồn tốt nhất Trung Quốc. Mỗi kiến trúc cổ kính lại có dáng vẻ và cấu trúc riêng có. Những ngôi nhà nổi bật trên nền xanh núi non và cây cối, những con sông nước trong vắt chảy ngang dọc giữa các thửa ruộng.
Các di sản kiến trúc ở Vụ Nguyên đã được xây dựng vào năm 740 suốt thời đại nhà Đường; chính vì sự xa xôi, khó đi nên ngôi làng còn giữ nét nguyên vẹn đến tận ngày nay. Vụ Nguyên trở thành vùng nông thôn được khẳng định như một trung tâm văn hóa, sinh thái và du lịch nổi tiếng. Các kiến trúc nơi đây in đậm dấu ấn 2 triều đại Minh, Thanh và nằm dọc theo con sông.
Những ngôi nhà tường trắng, mái ngói xanh sậm được tô điểm cùng với những con đường đá và những vườn cây xanh. Những cây cầu vòm bắc qua 2 bên bờ sông và in soi bóng nước, tất cả tạo nên một tuyệt cảnh đẹp như tranh vẽ.
6. Cổ thành Lệ Giang nổi tiếng khắp thế giới bởi lối kiến trúc đơn giản song không kém phần mỹ thuật cùng sự kết hợp khoa học hết sức tinh xảo. Nơi này được công nhận là thành phố văn hóa và lịch sử cấp quốc gia ở Trung Quốc vào năm 1986.
Lệ Giang được bao bọc bởi ngọn Sư Sơn (núi Sư Tử) ở hướng Tây, ngọn Tượng Sơn (núi Voi) và rặng núi Kim Sơn ở hướng Bắc. Ba ngọn núi này tập trung ở hướng Tây Bắc góp phần chắn gió lạnh cho Lệ Giang. Ở hướng Đông Nam là các thửa ruộng phì nhiêu nằm trải dài hàng ki lô mét.
Lệ Giang là nơi có ánh sáng mặt trời rực rỡ, có những dòng nước trong ngần đổ vào 3 con suối và đưa nước tới tận mỗi hộ gia đình. Đá lát đường làm nên những con phố nơi đây, đường không dính bùn vào mùa mưa, cũng như không hề bám bụi vào mùa khô.
Nhiều cây cầu và vòm đá ở Lệ Giang được kiến tạo vào 2 triều đại Minh, Thanh, cùng hệ thống các tuyến đường phân bổ theo 4 hướng của trung tâm nội đô Lệ Giang. Nhà cửa dân cư làm bằng gỗ, phần lớn đều có bức tường chắn phía trước; một số nhà có sân trong rất rộng, họ trồng khá nhiều hoa.
Theo Nguyễn Thanh Hải
Top China Travel
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.