A Lý Sơn (Đài Loan): Chuyện về tuyến đường sắt leo núi 106 năm tuổi
Trên dãy A Lý Sơn (Đài Loan) hiểm trở, chưa nhiều người biết sự tồn tại của một trong ba tuyến đường sắt xuyên núi còn hoạt động trên thế giới. Mỗi ngày, tàu hỏa vẫn kẽo kẹt từ nhà ga thấp nhất của A Lý Sơn (30m) chinh phục điểm cuối hành trình cao hơn 2450m.
A Lý Sơn, tuyến đường sắt độc đáo bậc nhất thế giới
Đến đây, người ta có thể chiêm ngưỡng phong cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp của A Lý Sơn.
Từ điểm xuất phát hành trình, ga Chiayi ở độ cao 30 mét, tàu hỏa A Lý sẽ chinh phục đến điểm cuối ga Zhushan ở độ cao 2451 mét (ga đường sắt cao nhất Đài Loan).
Du khách sẽ trải nghiệm qua nhiều cảnh quan phân bố theo độ cao; có thể thấy ba loại rừng: nhiệt đới, cận nhiệt và rừng ôn đới trên toàn bộ tuyến đường…
Anh Liêu Viễn Kiều (Nhân viên đường sắt A Lý Sơn) bày tỏ: "Tôi đam mê đường sắt vì tôi thích nghe âm thanh tàu chạy bằng động cơ Diesel. Bạn có thể phát hiện thấy những thay đổi khi tàu thay đổi tốc độ và cảm nhận điều đó thật sống động.”
"May thay, tuyến đường sắt 106 năm tuổi trong rừng A Lý đã không bị thay thế bằng tàu điện hiện đại", anh Kiều chia sẻ thêm, "A Lý Sơn giống như thiên đường của tôi và nhiều khách du lịch."
Điểm khác biệt so với đường sắt thông thường chính bởi leo núi cao nên đầu máy xe lửa được gắn sau cùng với tác dụng đẩy toàn bộ các toa tiến về phía trước.
Tuyến đường sắt A Lý Sơn được người Nhật xây dựng vào năm 1912
Khác với nhiều đoàn tàu bình thường, phía đầu tàu có một toa đảm trách nhiệm vụ rất quan trọng.
Người ngồi điều khiển toa xe sẽ quan sát tuyến đường ở phía trước. Nếu cảm thấy nguy hiểm, người này sẽ kéo phanh hãm giúp chuyến tàu dừng lại, tránh giảm tai nạn.
Ngoài ra, đường sắt tại đây sử dụng phương pháp leo núi đặc biệt: Tuyến xoắn ốc, đường móng ngựa và nhiều đoạn rất ngoằn ngoèo… Trong số đó, tuyến đường xoắn ốc nằm trong số những tuyến đường sắt leo núi cao nhất thế giới, có bốn vòng, và vòng cuối cùng là bùng binh.
Tàu hỏa A Lý Sơn được khai thác chủ yếu vào mục đích du lịch
Vào lúc 9h sáng mỗi ngày (theo giờ địa phương), có một chuyến tàu khởi hành từ ga Chiayi. Thời điểm cuối tuần, vào lúc 8h30 và 9h30 sáng, hai chuyến tàu khác được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá A Lý Sơn của khách du lịch Đài Loan.
Nỗ lực bảo tồn đường sắt A Lý Sơn
Sau khi tàu cao tốc hiện đại hơn được xây dựng vào năm 1982, lượng hành khách của đường sắt leo núi A Lý Sơn sụt giảm nhanh chóng.
Không những vậy, tuyến đường còn phải chịu nhiều tác động không mong muốn từ thiên tai, những sự cố kỹ thuật. Sau khi tiếp quản, Đường sắt A Lý Sơn (AFRCH) đã tạm ngưng hoạt động tuyến đường trong vài tháng để bảo trì trước khi mở cửa trở lại vào tháng 6/2018.
Bên trong toa xe của một trong ba chuyến tàu xuyên núi cao còn lại trên thế giới
“Đường sắt rừng A Lý Sơn là một di sản văn hóa vô giá được thiên nhiên ban tặng cho du lịch Đài Loan. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn danh thắng này không chỉ phục vụ tham quan, du lịch mà còn để thúc đẩy nền văn hóa lâu đời của chúng tôi". Ông Tang Yu-chin, phát ngôn viên của AFRCH cho biết.
Ông Tang Yu- Chin chia sẻ những kỷ niệm khó quên về đường sắt A Lý Sơn
Ông Hsu Chao-huo, năm nay đã 87 tuổi đang làm tình nguyện viên tại khu trưng bày nhỏ ở ga Shizilu "Tôi đã sống trên A Lý Sơn gần cả cuộc đời. Ngọn núi mang lại không khí trong lành và giúp chúng tôi cảm thấy thực sự khỏe khoắn".
Còn gì thú vị xung quanh đường sắt A Lý Sơn?
Những ai yêu thích khám phá, có thể trải nghiệm một trong những cung đường đi bộ tuyệt vời nhất dài chừng 1,6 km.
Cây Thủy Sơn hơn 2700 năm tuổi thuộc A Lý Sơn
Cung đường Thủy Sơn thực sự không dành cho những du khách yếu tim. Đường mòn nằm khuất dưới những tán cây rậm rạp, quanh năm rêu phủ, đâu đó còn bắt gặp nhiều phế tích hoang tàn nhuốm màu thời gian…
Nguyễn Phúc
Theo Báo Du lịch
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.