An Nam, Đại Nam và Việt Nam P4
Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước. Như vậy, từ ngày 17/2/1804 (năm Mậu Thìn), nước ta chính thức là Việt Nam, bãi bỏ tên An Nam.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đất nước Việt Nam chúng ta cũng đã nhiều lần được thay đổi tên gọi. Từ một tấm bản đồ được Hoàng gia Tây Ban Nha tặng, nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh đã viết loạt bài mạn đàm về dải đất hình chữ S dưới con mắt của các nhà hàng hải phương Tây xưa. Tạp chí Khám phá trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết khá thú vị và đầy ắp thông tin này.
Tên gọi An Nam (viết là Anamita) đều được ghi ngay bìa của các quyển từ điển. Gaspar d’Amaral đã soạn thảo cuốn tự điển: Diccionário anamita-português-latim. A.Barbosa soạn Tự điển Bồ-Việt: Diccionário português-anamita .
Quyển từ điển của A. Barbosa và tự điển trên đây của d’Amaral có lẽ đã được viết vào khoảng 1635-1640. Sau đó dựa trên hai từ điển này Alexandro De Rhodes soạn tự điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (ta quen gọi là từ điển Việt-Bồ-La) xuất bản năm 1651 tại Rome (Italy).
Nội dung cuốn Tự điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum
Rõ ràng là từ lúc này trở đi, nước Đại Việt ta được người phương Tây gọi thống nhất là An Nam, chung cho cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Các giáo sĩ dòng Tên đến nước Việt lần đầu tiên năm 1615 tại Hội An - Đàng Trong; và năm 1627, lần đầu tiên đến Cửa Bạng, Thanh Hoá - Đàng Ngoài. Vì vậy, những người Châu Âu lúc đó cũng đã phân biệt Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Lúc bấy giờ họ gọi Đàng Trong là Cochinchina và Đàng Ngoài là Tunquins, như ghi chép trong quyển sách “An Account of the Empire of China - Bút ký về Đế quốc Trung Hoa” của tác giả người Tây Ban Nha Dominick Fernandez Navarrete (1616-1686): “Vương quốc Cochinchina nằm giữa Tunquins [tức Tonkin-Đông Kinh] và Champa. Đất nước tốt đẹp và nhiều tơ lụa và họ mang sang buôn bán với Manila…”.
Tunquins hay Tonkin xuất xứ từ tên gọi kinh thành Đông Kinh thời Lê (tức Đại La, Thăng Long thời trước nhà Lê).
Vậy là từ đầu thế kỷ 17, nước ta được người phương Tây gọi chung là An Nam, và tên Cauchy China hay Cochinchina trước đấy hơn một thế kỷ gọi cả nước Việt ta thì bây giờ dành riêng gọi cho Đàng Trong, và một tên mới Tunquin (tức Tonkin) là dành cho Đàng Ngoài.
Cho đến trước khi sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài chấm dứt, Gia Long lên ngôi thì tên An Nam vẫn được người nước ngoài dùng để gọi nước Việt, kể cả thời Tây Sơn.
Bản đồ An Nam Đại Quốc họa đồ trong cuốn Tự điển Latin – Annamese của Jean-Louis xuất bản năm 1838
Gia Long lên ngôi 1802, liền cho sứ thần sang Trung Hoa để xin sắc phong. Đại Nam thực lục chép rằng: “Vua [Gia Long] hạ lệnh cho bọn Quang Định đem quốc thư và phẩm vật (…) đi xin phong và xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt… ”. Vua Thanh trước cho rằng chữ Nam Việt giống [dễ lẫn] chữ Đông Tây Việt [của Trung Hoa - TGN] nên không muốn cho. Vua [Gia Long] hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu [thụ] phong.
Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước. Trong thư gửi lại viết rằng, khi trước mới có Việt Thường đã xưng Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam, theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho tên tốt, định lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới. Tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa [tức Đông Việt, Tây Việt của Trung Quốc] lại phân biệt hẳn. Đến đây vua Thanh sai Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong, lại cho gấm đoạn và đồ khí mãnh (…)
Bức vẽ chân dung Vua Gia Long
(…) Tháng 2, ngày Mậu Thìn, vua Gia Long xa giá đến Kinh sư [Phú Xuân]. Ngày Quý Dậu, vua yết Thái miếu. Đặt quốc hiệu là Việt Nam… Xuống chiếu bố cáo trong ngoài. Chiếu rằng: “…lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ bố cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.
Như vậy, từ ngày 17/2/1804 (năm Mậu Thìn), nước ta chính thức là Việt Nam, bãi bỏ tên An Nam.
Thực ra tên nước Việt Nam không hề được nhà Nguyễn sử dụng sau đó. Gia Long mới lên ngôi, có lẽ vì muốn giữ hòa khí với Trung Hoa mà miễn cưỡng tạm chấp thuận quốc danh Việt Nam do nhà Thanh ban cho.
Sự suy đoán này là có cơ sở, bởi đến năm 1812, nhà Nguyễn không thông báo cho nhà Thanh mà tự mình sửa lại thành Đại Việt. Đến đời vua Minh Mạng năm thứ 12, Mậu Tuất (1838), lại đặt tên nước là Đại Nam và quyết định áp dụng từ năm sau đó.
Với việc vua Minh Mạng lấy quốc danh mới, từ lúc đó cho đến khi Pháp chiếm được cả nước, tất cả các sách được biên soạn của Quốc sử quán triều Nguyễn đều ghi hai chữ Đại Nam, như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam hội điển sự lệ, v.v… Tại khoản 1 hòa ước Patenôtre 1884 cũng viết: “Nước Đại Nam tự nhận nước Đại Pháp bảo hộ”.
Bản đồ Đại Nam thống nhất toàn đồ thời Vua Minh Mạng
Và ngay sau đó thì cả tên và nước Đại Nam cũng không còn tồn tại. Người Pháp đã xóa bỏ nước Đại Nam thống nhất, chia ra làm ba phần, đặt tên theo các tên có sẵn của toàn bộ hoặc một phần của giải đất hình chữ S đã có trước đó là Tonkin (Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ), Cochinchine (Nam Kỳ), ba phần này cùng với Lào và Cambodge lập thành Indochine – Đông Dương thuộc Pháp.
Phải mất gần hơn 70 năm nữa, một tên nước mới mà cũ đã xuất hiện. Đó là tên nước Việt Nam, lần đầu tiên được chính thức công bố bởi Chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim vào ngày 10/4/1945, với tên gọi Đế quốc Việt Nam.
Sau 5 tháng tồn tại, ngày 19/8/1945 Chính phủ Trần Trọng Kim bị lật đổ và ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, với Tuyên Ngôn Độc Lập tuyên cáo chính thức cùng thế giới.
Văn bản ngoại giao quốc tế đầu tiên với danh xưng Việt Nam có lẽ là Hiệp định Sơ bộ ký ngày 6/3/1946 giữa Đại diện chính phủ Pháp J.R. Sainteny với đại diện phía Việt Nam là Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, có sự chứng kiến của đại diện Anh, Mỹ, Trung Hoa. Hiệp định này sau đó đươc chính phủ Pháp tại Paris thông qua.
Vậy là sau hơn hai ngàn năm lận đận, quốc gia của người Việt từ đây mới có được môt tên gọi thống nhất, được trong nước và quốc tế chính thức công nhận và sử dụng cho đến ngày nay và chắc là cả trong tương lai. Đó là VIỆT NAM!
http://khampha.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.