Chào xuân Plus 2018: Về nơi danh thắng đệ nhất vùng Hoan Châu
Chùa Hương Tích tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Chùa được xây dựng vào đời Trần, là một trong hai ngôi chùa Hương nổi tiếng ở Việt Nam, và được mệnh danh là – Hoan châu đệ nhất danh lam, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia.
Cổng vào Hương Tích
Có một chùa Hương ở Hà TĩnhTừ Bắc vào Nam, theo quốc lộ 1A, qua Bến Thủy, qua cầu Hạ Vàng rồi rẽ trái chừng 3km thì đến chân quả núi thiêng, là nơi tọa lạc của chùa Hương Tích. Còn từ Nam ra ta qua cầu Nghèn, rẽ phải về hướng Đông – Bắc chừng 2km cũng tới chân quả núi thiêng này. Đến với ngôi chùa du khách vừa được đạo hữu và nghe nhiều sự tích, truyền thuyết về chùa, vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ vĩ của danh sơn thắng cảnh Hồng Lĩnh tuyệt mỹ.
Tương truyền dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi, động Hương Tích đẹp nhất, cao nhất thường có mây mù bao phủ. Nơi đây còn in đậm dấu ấn về huyền thoại 100 con chim phượng hoàng tìm chốn đậu, chuyện ông Đùng moi đất tìm quặng, đốt than, dạy người dân rèn nông cụ. Những huyền tích nêu trên còn lại là một số hòn đá lớn mang tên Hòn Đe, Lò Thổi… Các hang động có tiếng róc rách của những dòng suối nhỏ ngày đêm tuôn nước; cây cối đa hình, đa sắc đã tạo cho nơi đây cảnh sắc thiêng liêng hùng vĩ.
Chùa tựa lưng vào những tảng đá lớn vững chắc của hậu sơn, ẩn mình như một thiền sư đang tĩnh tâm tọa thiền, thụ khí… hợp với phong cách của nhà Phât. Xung quanh ngôi chùa là những cây lớn tỏa bóng mát xuống mái chùa đã tạo cho nơi đây vẻ trầm tư, u tịch, thiêng liêng, huyền ảo…
Đường đi lên chùa
Đã có tuyến cáp treo đi lên
Ngày nay, quần thể chùa Hương ở Hà Tĩnh gồm có thượng điền (chùa chính), đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ngoài ra, chùa còn có những cảnh đẹp liên kết: Động Tiên Nữ với 36 cửa ra vào, am Phun Mây, suối Tiên tắm… và luôn tịnh yên giữa rì rào gió lá rừng trúc, rừng thông cùng tiếng thác đổ trầm đều từ bốn phía trên đỉnh núi. Chùa tĩnh nhưng mỗi năm có hàng vạn người đến viếng. Đông nhất là tháng giêng, hai và rằm tháng bảy. Năm 1990 chùa được nhà nước cấp bằng “Di tích văn hóa - thắng cảnh”.
Khi nhắc đến núi Hồng, người ta nghĩ ngay tới dòng sông Lam và đặc biệt hơn, khi đứng trên chùa nhìn xuống ta có thể nhìn thấy được dòng sông Lam uốn lượn muôn đời cứ chảy mãi quấn quanh chân núi Hồng. Một câu hát quen thuộc mà người Hà Tĩnh nào cũng thuộc: “Nếu không có sông Lam, núi Hồng buồn biết mấy. Núi Hồng không đứng đó, sông Lam xanh cũng thừa”. Có thể hiểu những địa danh này là người tình muôn đời của nhau, và chùa Hương Tích ngự trị nơi đây chính là minh chứng vĩnh cửu cho tình yêu đó.
Chùa có kiến trúc cổ kính xa xưa
Một thoáng thanh tịnh trong sân chùa
Động Hương Tích
Tìm về một di sản Phật giáo nổi tiếng
Cùng với thời gian và trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử, di tích lịch sử này đã có sự thay đổi về địa điểm và diện mạo, nhưng sự linh thiêng và tôn nghiêm thì vẫn trường tồn trong lòng người dân địa phương và Phật tử cả nước. Hương Tích cổ tự có sự hấp dẫn và làm đắm say lòng người ở nhiều phương diện như huyền thoại về công chúa Diệu Thiện, về đất thiêng nơi chùa tọa lạc, về vị sư đầu tiên trụ trì, về tính thiêng của từng điểm đến trong quần thể di tích…Tương truyền có một thầy địa lý tài ba đã cưỡi diều giấy bay khắp Hồng Sơn đi tìm huyệt đất chọn thế đắc địa để xây dựng chùa Hương. Người này thấy ở lưng chừng ngọn núi Hương Tích có khí thiêng nghi ngút, mắt thường không thể nhìn thấy được. Thường nhân chỉ cảm thấy trong tâm rờn rợn, mắt thấy huyền huyền, ảo ảo, mơ mơ, thực thực, không thực mà thực, thực mà không thực, đấy mới là thực. Thế là ngôi chùa Hương Tích đã được tọa lạc tại đây và mang tên quả núi Hương Sơn.
Đặc biệt, nhiều hạng mục tổng thể công trình kiến trúc đã được gắn với những triết lý, sự tích, truyền thuyết Phật giáo như Am Diệu Thiện linh thiêng gắn với sự tích hóa Phật của Bà chúa ba (công chúa Diệu Thiện). Hương Tích nghĩa là “chứa mùi thơm” gắn liền với huyền ngôn ni sư Diệu Thiện, tại nơi đây đã hiến dâng 2 mắt, 2 cánh tay cho vua cha khỏi bệnh nên để lại tiếng thơm cho muôn đời. Am Dược Sư gợi lại câu chuyện về Quan Thái y Triệu Chấn có đức lớn, thuật cao. Giếng Trời giải thích hiện tượng Thủy Sinh tại chùa…
Hồ nhà Đường
Cuộc hành trình từ chân núi lên cõi Phật chừng 3km. Phật tử sẽ đi qua nhiều địa hình và địa danh gắn với những điển tích, huyền thoại khác nhau, tạo sự tưởng tượng phong phú cho khách hành hương về vũ trụ quan và nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo xứ Nghệ Tĩnh nói riêng. Bắt đầu đến cửa rừng, du khách dâng nén tâm nhang trước miếu Cửa Rừng xin phép sơn thần, thổ địa phù hộ cho sức khỏe và thượng lộ bình an đi đến nơi về đến chốn. Đi từ miếu Cửa Rừng tới trạm nghỉ Phật Bà phải đi thêm 1km nữa. Đi về phía Tây lên Am Giác Phổ (xây năm 1282) với phong cảnh thanh tịnh phù hợp với nhà Nho tu Phật. Du khách được thử thách thêm 1km dốc núi gập ghềnh nữa, qua Bãi Chợ, Phật tử và du khách được đặt chân lên đến chùa Thượng. Nơi đây có cả điện Mẫu. Phía trên là Am Diệu Thiện/Am Phật Bà, nơi công chúa Diệu Thiện hóa Phật. Đi về phía tây 200m có Giếng Trời và Am Dược Sư. Đi lên phía bắc là nơi Trang Vương Lập Tự, địa điểm xây chùa đầu tiên/ Nền Trang Vương…Hương Tích Tự là chốn linh thiêng nổi tiếng từ xưa. Khách hành hương đổ về đây để có những giây phút tĩnh tâm hướng tới Bồ Tát, hướng về đất Phật, hướng về cõi siêu linh tịnh độ, để thắp nén tâm hương cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát phù hộ, độ trì cho cuộc sống mỗi ngày được may mắn, tốt đẹp lên.
Tác giả bài viết: M.T
Nguồn tin: phuongnamplus.vn
Nguồn tham khảo: Báo Mới
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.