Điểm danh loạt công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang từng gây ấn tượng quốc tế

Đặt chân đến miền Tây sao có thể bỏ lỡ những công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang, mỗi địa điểm đều mang những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, con người thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Cùng đi qua các địa điểm tưởng chừng như xa lạ nhưng vô cùng quen thuộc này.

Chùa Lầu

Chùa Lầu là một trong những công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang với không gian vô cùng thanh tịnh. Sở dĩ chùa còn được gọi là Chùa Lầu là bởi vì được xây dựng theo kiến trúc các tầng lầu xếp chồng lên nhau. Nhìn từ xa ngôi chùa rất nổi bật vì được sơn màu đỏ chủ đạo nên chụp ảnh ở đây đẹp chẳng kém gì đang ở xứ sở Phù Tang.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Chùa Lầu An Giang. Ảnh: thamhiemmekong

Điểm gây ấn tượng đầu tiên của chùa Lầu với du khách chính là màu đỏ nổi bật hiếm có khó tìm của địa điểm du lịch miền Tây nổi tiếng thời gian gần đây. Nhìn từ phía xa, bạn đã được chiêm ngưỡng ngôi chùa cực kỳ nổi bật trên nền trời xanh với màu đỏ rực rỡ cùng với mái ngói cong vút.

Sự phối hợp màu sắc tương phản đặc biệt này khiến  nhiều người có cảm giác mình đang du ngoạn giữa khung trời Nhật Bản. Chùa Lầu An Giang còn rất ăn ảnh vì được xây theo dạng 3 tầng lầu xếp chồng lên nhau và mỗi tầng được chống đỡ bằng những thân cột rất vững chắc.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Điểm gây ấn tượng đầu tiên của chùa Lầu An Giang chính là màu đỏ nổi bật hiếm có. Ảnh: dulichchat

Du khách đến viếng chùa sẽ bước qua cây cầu treo trước khi lên đến khu vực bên trên rồi vào khu vực bên trong chùa. Nhắc đến cầu treo du khách dễ dàng liên tưởng đến những chiếc cầu gập ghềnh vắt qua những con sông hay khu vực sâu hun hút.

Tuy nhiên khi đến du lịch An Giang, khám phá chùa Lầu miền Tây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cây cầu treo hoàn toàn mới mẻ và xịn xò. Chiếc cầu treo lơ lửng trên không trung, bên dưới là mặt đất mà thôi. 

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Du khách đến viếng chùa sẽ bước qua cây cầu treo. Ảnh: metrip

Một đặc trưng khác khiến kiến trúc ngôi chùa mang vẻ đặc biệt là những khu nhà ngói nhỏ lộ thiên ra phía ngoài, nằm ngay phía trước khu chánh điện thờ Phật. Khách du lịch An Giang có thể bắt gặp mọi đường nét và những chi tiết dù là nhỏ nhất của ngôi chùa hài hòa với tổng thể vì đều toát lên được vẻ rực rỡ và bắt mắt vô cùng, trên nền chùa đỏ rực bắt mắt.

Từng bức tường, mỗi góc cột, thành cầu thang, hay trên mái ngói cao cũng đều có sự hiện diện của màu đỏ thu hút bao ánh nhìn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa từ du khách muôn phương trước khi đặt chân vào bên trong.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Những khu nhà ngói nhỏ lộ thiên ra phía ngoài. Ảnh: dulichvietnam 

Bản thân ngôi chùa Lầu An Giang với kiến trúc, nội ngoại thất đã rất đẹp, nhất là khi lên hình nhưng khung cảnh xung quanh chùa càng khiến du khách như lạc lối giữa chốn thơ mộng, bình yên.

Vì đây là một khuôn viên rộng lớn trồng khá nhiều cây xanh cùng hoa cỏ tươi tắn. Người ta trồng nhiều và chăm sóc chu đáo các loại cây đẹp như hoa giấy, mào gà, vạn thọ, hoa cúc, thậm chí còn có cả hồ sen…

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Khung cảnh xung quanh chùa càng khiến du khách như lạc lối giữa chốn thơ mộng, bình yên. Ảnh: thamhiemmekong

Tất cả tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho ngôi chùa để du khách khi tới đây không chỉ được viếng ngôi chùa, cầu an mà còn được thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp. Nhìn bao quát, chùa Lầu An Giang hiện lên đẹp như một bức tranh.

Ngôi chùa còn mang lại cho du khách phương xa sự gần gũi, thân thuộc mỗi khi đi dạo xung quanh. Nhiều bạn trẻ ở khắp khu vực trong và ngoài tỉnh đã không ngại đường xa tìm đến tham quan, chụp ảnh.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Chùa Lầu An Giang hiện lên đẹp như một bức tranh. Ảnh: dulichvietnam

Nhà thờ Cù Lao Giêng

Trên cù lao khuất nẻo giữa sông Tiền, một công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang theo kiểu Tây phương xuất hiện tại vùng sông nước như thế này làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Nhà thờ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được Pháp xây dựng vào năm 1877 và được xem là một trong những giáo xứ xưa nhất miền Nam. Nhiều năm qua, nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của bà con họ đạo tại địa phương mà còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Nhà thờ Cù Lao Giêng được thiết kế theo kiểu phương Tây. Ảnh: thamhiemmekong

Nhà thờ Cù Lao Giêng được thiết kế theo mô-típ Romane, xây dựng trên diện tích 7.367m2. Tòa tháp chuông cao 35m, trên hình bầu tròn, dưới hình vuông với nhiều đường nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh xảo.

Tường vách của nhà thờ được xây dựng từ gạch đặc ruột, bản to và chắc chắn cùng với các chất kết dính như hồ ô dướt và phụ liệu. Tường nhà thờ khá dày nên bên trong nhà thờ luôn thoáng mát.

Trần nhà thờ là mái vòm hình bán nguyệt cao vút với những đường viền hoa văn rất đẹp. Chánh điện thờ tượng Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được mang từ Pháp sang, đến nay vẫn còn nguyên vẹn chất liệu và màu sắc.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Tòa tháp chuông cao 35m. Ảnh: thamhiemmekong

Phía trong nhà tháp chuông có hai quả chuông đồng đúc tại Pháp do gia đình ông Phaolô Lê Văn Sang kính dâng, đặt ở tầng 1 và tầng thượng. Lòng nhà thờ có ba căn, căn chính rộng 8m, hai căn phụ mỗi căn rộng 4m. Hiện nay hầm mộ Cha Augustinus- Baptista Gazignol và hai cha phó vẫn ở giữa phía dưới lối đi bên trong nhà thờ.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Lòng nhà thờ có ba căn. Ảnh: thamhiemmekong

Cách nhà thờ Cù Lao Giêng không xa là tu viện Phan-Xi-Cô. Tọa lạc trong khuôn viên 71.000m2, với lối kiến trúc vòm nhọn, tu viện Phan-Xi-Cô có nhiều cửa sổ và kích thước cửa sổ lớn hơn cửa sổ ở nhà thờ Cù Lao Giêng.

Nơi đây gồm 3 dãy đối xứng hình chữ U, ở giữa là sân lớn, sau có nhà sinh hoạt gồm nhà thờ, gian bếp, nhà ở của linh mục, nhà tĩnh tâm, tháp chuông. Nhà thờ có vòm mái hình sóng cuộn, nhiều cửa lớn có thể mở được, tạo nét thanh thoát và tràn ngập ánh sáng.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Tu viện Phan-Xi-Cô. Ảnh: tintucmientay

Kế cạnh đó còn có tu viện Chúa Quan Phòng, nơi đây là nơi an dưỡng của các nữ tu già yếu thuộc dòng tu này. Tu viện dòng Chúa Quan Phòng ở Cù lao Giêng là một quần thể kiến trúc lớn, sử dụng nhiều cuốn cửa và vòng bán cầu kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo kiến trúc đặc trưng.

Mỗi tầng có cuốn tương ứng, tầng dưới cuốn to, tần trên hẹp dần thành những cửa sổ ghép đá. Cuốn cửa được chia làm 2 hay 3 phần được đỡ bởi những cột hình tròn hoặc cạnh, đầu cột úp ngược, trang trí hoa lá, hình học cuộn vào nhau.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Kế cạnh đó còn có tu viện Chúa Quan Phòng. Ảnh: conggiao

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar thuộc địa phận xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, được xây dựng từ những năm 1959, cho tới năm 2012, thánh đường được trùng tu mở rộng thêm lần nữa. Đây được coi là một trong những thánh đường lâu đời nhất ở mảnh đất này, và trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi sinh sống nơi đây.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar là một trong những thánh đường lâu đời nhất ở An Giang. Ảnh: googleusercontent

Ghé thăm thánh đường Masjid Jamiul Azhar, điều đầu tiên đập vào mắt bạn là một nghĩa trang với từng hàng bia đá giản dị khắc tên những người quá cố ngay phía trước cổng vào, tạo nên một khung cảnh đầy kì bí nhưng cũng thu hút kẻ khách muốn tham quan, khám phá thêm về những câu chuyện ẩn chứa phía sau khu thánh đường tuyệt đẹp này.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar trở thành biểu tượng văn hóa của cư dân đạo Hồi An Giang. Ảnh: thamhiemmekong

Để rồi khi bước chân vô khuôn viên thánh đường, người ta lại ngỡ ngàng hơn khi được chiêm ngưỡng lối thiết kế độc đáo của những công trình bên trong. Ở đó ta bắt gặp những mái vòm cao rộng, những khung cửa in hoa văn viền cách điệu, những biểu tượng trăng lưỡi liềm cùng nhiều đường nét sắc sảo khác.

Tất cả đều thể hiện rõ nét lối kiến trúc cổ của đạo Hồi, để Masjid Jamiul Azhar như mang trong một hơi thở huyền bí được truyền lại từ ngàn năm trước.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Lối thiết kế độc đáo của những công trình bên trong. Ảnh: grabtourist

Masjid Jamiul Azhar nổi bật giữa khung trời rực nắng ở An Giang bởi ngôi thánh đường này được trang trí chủ yếu bởi hai gam màu trắng và xanh ngọc. Một sự hòa quyện độc đáo nhưng cũng đầy quyến rũ, hòa quyện cùng trời xanh mây trắng tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt mĩ mà ai ai cũng muốn ngắm nhìn.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Masjid Jamiul Azhar nổi bật giữa khung trời rực nắng ở An Giang. Ảnh: grabtourist

Dường như mọi ngóc ngách của khu thánh đường, từ cổng vào, đến mặt trước, mặt bên và thậm chí bên trong Masjid Jamiul Azhar, người ta đều có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình một góc chụp đầy mới lạ.

Những khung cảnh đầy màu sắc, những đường nét kiến trúc đầy tinh xảo, và vẻ cổ kính nhưng cũng đầy huyền bí của thánh đường, tất cả đều mang lại những khung hình mãn nhãn, ai nhìn thấy cũng mê mẩn của tâm hồn.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Những khung cảnh đầy màu sắc, những đường nét kiến trúc đầy tinh xảo. Ảnh: we25

Đến Masjid Jamiul Azhar, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khu thánh đường đẹp nhất Việt Nam mà còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống của đồng bào người Chăm ở Tân Châu.

Trên những con đường xuyên ngôi làng nhỏ ấy, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cư dân bản địa mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, nam giới thì mặc xà rông, nữ giới thì mặc abaja và quấn khăn hijab.

Đó là một nét văn hóa độc đáo của người Chăm, nơi mà họ lưu giữ những truyền thống tự thuở xa xưa cho tới tận bây giờ. Để rồi ghé Tân Châu, bạn nhớ tìm hiểu về cuộc sống bao đời của những con người nơi đây nhé, ắt hẳn rằng, đó sẽ là một chuyến đi bạn nhớ mãi trong đời.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Ở đó ta bắt gặp hai màu trắng xanh nổi bật trong cái nắng gắt miền Tây. Ảnh: travel

Chùa Xà Tón

Chùa Xà Tón còn gọi là chùa Xvayton nằm ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn được xây dựng cách đây hơn 300 năm. Tương truyền, từ thời Bảy Núi vẫn còn là vùng rừng rậm, hoang vu, ít người lui tới.

Trên những ngọn cây, từng đàn khỉ nối đuôi nhau chuyền cành, chúng dạn dĩ chọc ghẹo, níu kéo người qua đường. Thuở ấy, lũ khỉ hoang thường xuyên vào chùa, nhà dân, thân thiện như khỉ nhà.

Có lẽ vì vậy mà hình ảnh khỉ truyền cành đã trở nên quá thân thuộc nên chùa mới có tên là Xvayton. Về sau, nhiều người đọc chạy là Xà Tón. Đến nay, chùa Xà Tón còn tồn tại nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ đến cả trăm năm, nơi gắn với hình ảnh lũ khỉ truyền cành.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Chùa Xà Tón còn gọi là chùa Xvayton. Ảnh: thamhiemmekong

Có thể nói, ít ngôi chùa Khmer nào có được không gian rộng và kiến trúc đẹp tinh tế như ngôi chùa này. Ngay từ cổng bước vào, các cụm kiến trúc dàn trải và có vẻ đẹp riêng cuốn hút lữ khách đến thăm. Chùa có nhiều cây cổ thụ cả vài trăm năm tuổi. Những bảo tháp cổ kính, rêu phong đứng trầm mặc tôn vinh thêm cho vẻ đẹp xưa cũ của ngôi cổ tự.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Không gian rộng và kiến trúc đẹp tinh tế. Ảnh: traveloka

Giống như các chùa Khmer khác ở miền Tây Nam Bộ, chùa Xà Tón có quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất, như: cổng chùa, tường rào, chính điện, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt… Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chính điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Tượng thần Bayon bốn mặt bằng đá. Ảnh: traveloka

Chính điện chùa Xà Tón được xây theo hướng đông tây, mái chính có cấu trúc tam cấp, lợp ngói màu đỏ, xanh, vàng đặc sắc. Ở 4 góc nóc mái chính điện được trang trí hình tượng thần rắn Naga, một linh vật trong văn hóa của người Khmer tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt.

Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, trang trí của đồng bào Khmer với những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường. Nội dung chủ yếu của những bức bích họa này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Trên gian thờ giữa chính điện là nhiều tượng Phật Thích Ca được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi…

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Những hàng tháp vàng trải dài ngay khi vừa bước vào cổng chính.. Ảnh: traveloka

Vào trong khuôn viên chùa, khách nhàn du cứ ngỡ mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nơi hồng trần. Phía trước chùa có hồ lớn, khá rộng, cây cối soi bóng xuống hồ làm cho cảnh trí thêm nên thơ.

Không gian thanh tịnh, trang nghiêm nhưng cũng rất trong lành mát mẻ sẽ làm cho du khách giải tỏa bớt mệt mỏi trong chuyến du lịch An Giang của mình. Chùa Xà Tón được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Vì vậy, ngày 12-12-1986, chùa Xà Tón được Bộ Văn hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Vào trong khuôn viên chùa, khách nhàn du cứ ngỡ mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nơi hồng trần. Ảnh: traveloka

Thánh đường Mubarak

Nằm bên bờ sông Hậu, thánh đường Mubarak (xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người dân và là một trong những công trình kiến trúc mang nét đặc thù của đồng bào Chăm.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Toàn cảnh Thánh đường Mubarak. Ảnh: vnecdn

Từ ngoài nhìn vào thánh đường chúng ta sẽ nhìn thấy cổng chính có hình vòng cung, phía trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi.

Bốn góc trên nóc Thánh đường đều có 4 tháp nhỏ, giữa nóc Thánh đường có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của Thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m, bên trái và phải Thánh đường mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Thánh đường Mubarak, An Giang với kiến trúc Hồi giáo điển hình. Ảnh: traveloka

Không gian bên ngoài thánh đường hết sức rộng lớn và thoáng mát. Bên trong thánh đường, do đặc điểm của đạo Hồi nên không có tượng thờ bất kỳ vị thần thánh nào, nhưng phải có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ. Bốn bề của bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh, nền được lát gạch, trần nhà treo những chùm đèn điện sáng rực.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Vì không phải là giờ làm lễ nên tất cả các cửa đều đóng kín.. Ảnh: traveloka

Ngoài công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm màu sắc tôn giáo do bàn tay con người sáng tạo nên, thánh đường còn gắn liền với phong cảnh thiên nhiên. Phía trước là con sông Hậu hiền hòa chở nặng phù sa, bên trái và bên phải thánh đường là những ngôi nhà sàn cao ráo của đồng bào Chăm nằm san sát nhau, phía sau là cánh đồng ruộng trải rộng. Chính những yếu tố đó đã làm tăng thêm vẻ đẹp của thánh đường.

công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang

Thánh đường còn gắn liền với phong cảnh thiên nhiên. Ảnh: traveloka

Hy vọng với 5 công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang kể trên sẽ giúp bạn lựa chọn được cho mình những địa điểm ưng ý nhất cho chuyến đi sắp tới và được tận mắt chiêm ngưỡng những điểm đến tuyệt đẹp.

 

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.