Du lịch Thái Lan: Nụ cười mang đến thành công
Thái Lan nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về ngành “công nghiệp không khói”. Năm 2018 số lượng khách du lịch quốc tế tới đất nước này lên tới 38,27 triệu lượt, dự kiến sẽ đón 41 triệu lượt khách vào năm 2019.
Không phải nghiễm nhiên Thái Lan trở thành xứ sở đầy mê hoặc đối với các tín đồ du lịch như vậy. Ngoài việc triển khai những chiến lược mạnh mẽ như đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế..., một yếu tố không kém phần quan trọng đó là con người. Thái Lan đã thành công trong việc lan tỏa hình ảnh một đất nước thân thiện, hiếu khách và đậm đà bản sắc văn hóa.
“Quốc bảo” của xứ Chùa Vàng
Tinh thần thân thiện, hiếu khách làm nên nét đẹp của người Thái Lan
Người ta thường nói "quốc bảo" của Thái Lan là nụ cười và đây chính là nhân tố níu chân du khách quay trở lại xứ sở Chùa Vàng không chỉ một lần. Nhiều người cũng cho rằng Thái Lan là đất nước Phật giáo nên người dân luôn ứng xử nhẫn nại, hiền hòa và tận hưởng một cuộc sống ung dung tự tại. Họ mang những lời răn dạy tốt đẹp của Phật giáo vào thực tế không chỉ vì sự trấn an tâm lý nhất thời hoặc mong chờ Phật phù hộ. Vì thế, trên mọi ngả đường, vùng miền của quốc gia này hiếm thấy chuyện đánh nhau, tranh giành “miếng cơm manh áo” cũng như cảnh chen lấn xô đẩy nơi công cộng. Điều này đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp với du khách nước ngoài.
Đến với Thái Lan, du khách dễ dàng nhận được những nụ cười thân thiện ở khắp mọi nơi, từ người bán nước trên vỉa hè cho đến nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn sang trọng. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thiếu nữ Thái duyên dáng trong trang phục cổ truyền, cầm những chiếc dây nơ hồng tết hoa, mỉm cười quàng vào cổ du khách rồi chắp tay cúi khẽ. Ngay từ khi đặt chân xuống sân bay, nơi hội tụ đủ màu da, quốc tịch, sắc tộc, du khách đã được đón tiếp một cách tận tâm, niềm nở. Dù cường độ làm việc rất lớn nhưng gương mặt các nhân viên hàng không, an ninh ai cũng phấn chấn, hồ hởi.
Mọi thủ tục nhập cảnh diễn ra nhanh gọn, kịp thời nhằm đảm bảo cho dòng chảy du khách 24h/24h thông suốt. Chẳng thế mà cách đây không lâu, hai nữ nhân viên lễ tân tại sân bay Don Mueang, Bangkok đã phải lên tiếng xin lỗi khi video ghi lại cảnh các cô gái nở nụ cười gượng gạo trong lúc đeo vòng hoa đón một đoàn du khách nước ngoài bị đăng lên mạng xã hội. Mặc dù Cục Cảnh sát Du lịch Thái Lan đã giải thích lý do những nữ nhân viên này cười không được tươi vì quá mệt mỏi khi phải làm việc nhiều giờ trong thời tiết nắng nóng, song dư luận Thái Lan vẫn chỉ trích dữ dội, đồng thời cho rằng các cô gái đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước.
Lấy lòng du khách bằng uy tín
Hầu hết du khách từng đến Thái Lan đều nhận thấy rằng, xứ sở Chùa Vàng tuy không có nhiều kỳ quan thiên nhiên nhưng cách làm du lịch của họ rất đa dạng. Quan trọng nhất là khi đặt chân đến đất nước này mọi du khách đều cảm thấy như mình là “thượng đế”. Điều đầu tiên du khách cảm nhận ở đất Thái là niềm tin, bởi người dân rất trung thực, luôn bán hàng theo giá niêm yết, chất lượng phục vụ tốt. Khách tới cửa hàng được quyền lựa chọn thoải mái, dù không mua cũng không phải nhận những ánh mắt hoặc lời lẽ khó chịu. Gần như không có hiện tượng làm giá, chèo kéo khách, nhập nhèm trong các dịch vụ du lịch, dù là của các đơn vị, công ty hay cá nhân.
Mỗi người dân Thái Lan đều có ý thức rất cao hướng tới việc phát triển du lịch mang tầm quốc tế. Vì thế, hầu như ai cũng nói được tiếng Anh, từ những người bán đồ ăn trên phố tới những tài xế xe tuk tuk. Tại hầu hết các điểm du lịch luôn có bảng hướng dẫn bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, mọi người dân đều rất cởi mở, sẵn lòng giúp đỡ khách du lịch. Khi bạn hỏi đường, họ chỉ dẫn rất tận tình, thậm chỉ còn gọi điện cho người nói tiếng Anh tốt hơn để chỉ dẫn.
Luôn được coi là “thượng đế” nên du khách tới Thái Lan không ngần ngại chi trả cho những dịch vụ mà họ cho là “đáng đồng tiền bát gạo”. Thậm chí có những mặt hàng giá không hề rẻ, chưa hẳn là chất lượng nhưng do biết quảng cáo, chào hàng và quan trọng là cách ứng xử đúng mực của người bản địa nên du khách vẫn vui vẻ ủng hộ nhiệt tình. Ví như dịch vụ chụp hình lưu niệm. Tại hầu hết điểm thăm quan đều có những thợ chụp ảnh cầm máy lên bấm một cách rất tự nhiên. Sau khi thăm thú xong, khách quay ra đã thấy ảnh mình lồng khung để sẵn trên bàn, nếu ưng thì trả tiền, không hề có chuyện mời chào, nài ép. Các điểm du lịch cũng không có tình trạng tranh giành khách giữa những người làm dịch vụ. Khách du lịch không có cảm giác bị làm phiền, quấy nhiễu.
Để tiếp tục phát huy những thành công hiện có, thời gian tới Thái Lan tiếp tục triển khai nhiều chính sách hướng tới du lịch. Trong đó, đáng chú ý là chiến lược tập trung đào tạo và thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hơn nữa tinh thần thân thiện, hiếu khách của người dân Thái Lan, đồng thời trau dồi các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về du lịch, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố con người với nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng sẽ tiếp tục giúp Thái Lan trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch của thế giới.
Hạ Quyên
Theo Hà Nội mới
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.