'Hộ chiếu vaccine' có là chìa khóa vàng tái mở cửa du lịch toàn cầu?
Mới đây. trang CNN đã đăng tải, ý tưởng "hộ chiếu vaccine" đang được nhiều người coi là một cơ hội để mở ra cánh cửa du lịch, ngành đang bị khép chặt do tác động của đại dịch.
Một số nơi trên thế giới như Seychelles, Cyprus và Tomania – đã bắt đầu gỡ bỏ yêu cầu cách ly cho các du khách có thể chứng minh được là họ đã được tiêm vaccine. Các nước khác như Iceland và Hungary lại mở cửa cho những người đã khỏi COVID-19.
Một số nơi trên thế giới như Seychelles, Cyprus và Tomania – đã bắt đầu gỡ bỏ yêu cầu cách ly cho các du khách có thể chứng minh được là họ đã được tiêm vaccine. Ảnh: vov
Những ví dụ trên cho thấy, bằng chứng tiêm chủng hoặc miễn dịch có thể trở thành chiếc vé vàng để tái khởi động du lịch và dường như là tin tức tốt lành cho những người đang ngóng chờ kỳ nghỉ mùa hè 2021. Điều này có thể giúp mở cửa lại các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các cơ sở dịch vụ giải trí khác vốn đang bị tạm đóng cửa trong suốt những tháng qua.
Các công ty công nghệ như IBM cũng đang nỗ lực hành động khi tìm cách phát triển các ứng dụng điện thoại thông minh hoặc ví điện tử trong đó cá nhân có thể cập nhật thông tin về các xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19.
Tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) Zurab Pololikashvili đã kêu gọi toàn thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine ở quy mô lớn hơn và coi đó là một yếu tố không thể thiếu để ngành du lịch hoạt động lại.
"Tiến hành tiêm vaccine là một biện pháp đúng hướng nhưng tái khởi động lại du lịch không thể chờ đợi", ông Pololikashvili phát biểu trước Ủy ban Khủng hoảng Du lịch toàn cầu của UNWTO. "Vaccine phải là một phần trong cách tiếp cận rộng hơn và được điều phối bao gồm các chứng nhận và giấy thông hành cho việc đi lại giữa các biên giới".
"Ưu tiên cơ bản"
Tuy nhiên, ý tưởng về hộ chiếu miễn dịch vẫn vấp phải rất nhiều tranh cãi.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, việc công nhận toàn cầu đối với các chứng nhận tiêm chủng có thể giúp tái kết nối thế giới, nhiều người lại tỏ ra nghi ngại về mức độ an toàn thực sự của các giấy tờ cũng như khả năng chúng bị lạm dụng.
Ngoài ra, các câu hỏi về liệu hộ chiếu vaccine có phải là loại giấy tờ bắt buộc cho bất kỳ hoạt động di chuyển nào hay không và các dữ liệu cá nhân sẽ được bảo hộ ra sao – cũng vẫn chưa có lời giải đáp.
Hồi đầu tháng Một, trong một lá thư gửi tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh vào sự cần thiết phải chấp nhận chứng nhận tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu và coi đó là "một ưu tiên cơ bản cho tất cả".
"Mặc dù chúng ta sẽ không để tiêm vaccine trở thành quy định bắt buộc hoặc cần phải có trước khi di chuyển, nhưng những người đã được tiêm vaccine cần phải được đi lại tự do", ông Mitsotakis viết. "Điều này sẽ khuyến khích người dân đi tiêm vaccine, từ đó đảm bảo con đường hiệu quả để quay trở lại trạng thái bình thường".
Trong buổi thảo luận ngày 21/1 vừa qua tại Brussels, các nước châu Âu thừa nhận nhu cầu hợp tác xuyên biên giới về chứng nhận vaccine. Tuy nhiên, họ cũng lo lắng rằng nếu sử dụng giấy chứng nhận để cho phép đi lại thì những người chưa tiêm vaccine sẽ bị đối xử như công dân hạng hai.
Những điều chưa biết về vaccine
Một số hãng hàng không như Quantas (Úc) hay các công ty du lịch như Saga Cruises (Anh) khẳng định, chỉ những người đã tiêm vaccine mới có thể di chuyển quốc tế.
Phát biểu trước nghị viện EU, bà Von der Leyen nói, có nhiều điều còn chưa biết về vaccine bao gồm liệu những người đã tiêm chủng có còn khả năng mang theo và lây nhiễm virus hay không hoặc miễn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu…
Một số hãng hàng không như Quantas (Úc) hay các công ty du lịch như Saga Cruises (Anh) khẳng định, chỉ những người đã tiêm vaccine mới có thể di chuyển quốc tế. Ảnh: vneconomy
"Và còn cả câu hỏi chính trị nữa", bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu chỉ ra. "Làm sao bạn có thể đảm bảo rằng, bạn tôn trọng quyền của những người vẫn chưa thể tiêm vaccine và bạn đưa ra các lựa chọn thay thế nào cho những người có những lý do hợp pháp để không tiêm vaccine?"
Những lo lắng về cân bằng giữa nhu cầu tái mở cửa biên giới và cho phép người đã tiêm chủng đi lại trong khi các nước khác vẫn áp dụng phong tỏa với nguy cơ lây nhiễm – cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề cập tới hồi đầu tháng.
Trong một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp WHO, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận, ông vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của các hộ chiếu vaccine. "Có hai vấn đề khẩn cấp chúng ta cần giải quyết", ông Ghebreyesus phát biểu. "Đầu tiên là sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 và thứ hai là việc sử dụng các chứng nhận vaccine và xét nghiệm cho di chuyển quốc tế".
"Cả hai vấn đề được kết nối với nhau trong một chủ đề là tính đoàn kết. Chúng ta không thể đặt ưu tiên hoặc trừng phạt một nhóm các nước cụ thể", vị tổng giám đốc cho biết thêm.
Còn quá sớm để đi du lịch quốc tế
Tại Anh – quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm vaccine trên diện rộng cho người dân, tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục tăng cao bất chấp các lệnh hạn chế được mở rộng từ cuối tháng Mười hai. Chính phủ Anh khuyến cáo, các kỳ nghỉ quốc tế trong mùa hè này vẫn còn là viễn cảnh xa vời.
Đầu tuần trước, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói, vẫn còn "quá sớm" để mua vé du lịch trước tháng Chín – thời điểm mà phần lớn dân số Anh đã được tiêm vaccine. Thay vào đó, ông Hancock kêu gọi người dân nên lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ trong nước.
Đức Nguyễn (Tổng hợp)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.