Hóa thân thành cô gái Bắc Bộ xưa tại làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm sẽ là điểm đến tuyệt vời nếu bạn muốn trốn khỏi chốn thành thị xô bồ để về với nhịp sống bình yên.
Gợi ý lịch trình và cách di chuyển đến làng cổ Đường Lâm
Lịch trình tham quan làng cổ
- 6h30: Xuất phát từ trung tâm Hà Nội
- 8h00: Đến làng cổ Đường Lâm
- 8h30 – 9h30: Mua vé để tham quan Cổng và Đình làng Mông Phụ
- 9h30 – 11h30: Tham quan những điểm nổi tiếng trong làng cổ như nhà thờ Cổ, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, giếng Cổ Đường Lâm
- 12h00 ăn trưa, nghỉ ngơi
- 13h30: Tiếp tục tham quan Đền thờ Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền và Chùa Mía
- 15h30: Ghé thăm Rặng Duối cổ với tuổi thọ lên đến hơn 1000 năm
- 16h30: Xuất phát trở về Hà Nội
Cách di chuyển về làng cổ
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km vì vậy bạn hoàn toàn có thể đến làng cổ Đường Lâm bằng xe máy. Bạn nên di chuyển từ sớm để có thể tham quan hết tất cả các địa điểm nổi tiếng ở làng cổ. Thời gian di chuyển bằng xe máy từ Hà Nội về làng cổ chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi.
Từ trung tâm Hà Nội bạn có thể chạy đến Đại lộ Thăng Long, đi theo đại lộ đến Hòa Lạc thì rẽ phải vào đường QL21. Sau đó đi thẳng đến bệnh viện 105 sẽ thấy có biển chỉ dẫn vào làng cổ.
Các điểm tham quan không thể bỏ lỡ tại làng cổ Đường Lâm
Cổng làng Mông Phụ
Tương truyền rằng cổng làng Mông Phụ đã có từ cách đây 460 năm. Bên cạnh cổng làng cũng có một cây đa cổ thụ với tuổi thọ lên đến 400 năm. Cây đa rất to lớn, tán cây rậm rạp che phủ toàn bộ cổng làng tạo nên một khung cảnh bình yên, mát mẻ.
Cổng làng Mông Phụ với cây đa trăm năm
Đình Mông Phụ
Đình Mông Phụ cách cổng làng khoảng chừng 500 m, chỉ cần đi thẳng từ cổng làng vào là sẽ đến được đình. Đình có tổng cộng 3 cổng, tuy nhiên cổng chính được đóng lại và chỉ mở 2 cổng bên cho du khách vào tham quan. Cổng chính ở đây thường sẽ mở vào những ngày hội vì theo phong tục xưa, cổng chính chỉ dành cho vua chúa. Vào trong đình bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc cổ thời xưa vô cùng chân thực và độc đáo.
Đình Mông Phụ mang nét kiến trúc cổ thời vua chúa
Giếng Cổ
Nằm ngay bên cạnh đình Mông Phụ, Giếng Cổ được xây dựng bằng đá tổ ong với đường kính rất to. Nước ở đây rất trong và mát vì vậy người dân thường lấy nước ở giếng về để nấu ăn hoặc làm tương. Tuy nhiên tuyệt đối không được sử dụng nước ở đây để tắm.
Giếng cổ to nhất trong làng cổ Đường Lâm
Nhà cổ
Ở làng cổ Đường Lâm có khá nhiều ngôi nhà cổ như nhà cổ bà Dương Thị Lan, nhà cổ ông Nguyễn Văn Hùng, nhà cổ ông Hà Nguyên Huyến,… Tất cả các ngôi nhà cổ đều có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Ngôi nhà lâu đời nhất là của ông Nguyễn Văn Hùng với tuổi thọ lên đến 400 năm.
Những ngôi nhà này vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ với mái ngói, cửa gỗ, nền gạch đỏ. Bên cạnh đó còn có những vật dụng từ thời xa xưa như cối xay thủ công, nơm cá,… Đặc biệt ở đây nổi tiếng với những chum tương gạo cực kỳ thơm ngon.
Những ngôi nhà cổ với các vật dụng thủ công từ xa xưa
Chùa Mía
Đây là một ngôi chùa linh thiêng của làng cổ Đường Lâm. Ngay từ khi bước vào cửa bạn sẽ thấy ngay tòa tháp Cửu Phẩm cao đến 9 tầng rất uy nghi. Bên trong chùa có các pho tượng phật tinh xảo và trang nghiêm. Ở đây bạn có thể đi tham quan xung quanh khuôn viên chùa để chiêm ngưỡng nét cổ kính từ hàng trăm năm trước.
Chùa Mía sở hữu tháp 9 tầng uy nghiêm
Đền thờ Lăng Ngô Quyền
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên đồi Cấm khá cao so với mặt đất. Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ công lao của vị Vua vang danh này. Bên trong đền còn có lăng mộ của vua Ngô Quyền vì vậy bạn có thể ghé thăm để hiểu thêm về lịch sử nước nhà.
Đền thờ vị vua Ngô Quyền
Rặng Duối Cổ
Rặng Duối này có tuổi đời trên 1000 năm nằm cạnh Lăng Ngô Quyền. Rặng gồm 18 cây duối rất to mọc thành hàng dài chừng 300m. Xung quanh Rặng Duối là bãi cỏ xanh mướt, thỉnh thoảng còn có những con bò đến đây để ăn cỏ. Với không gian trong lành tuyệt đẹp ở đây bạn sẽ tha hồ check-in sống ảo.
Khung cảnh xanh mướt tại Rặng Duối Cổ
Những lưu ý khi tham quan làng cổ Đường Lâm
- Làng cổ là nơi yên bình vì vậy nên đi bộ hoặc thuê xe đạp để không phá vỡ sự tĩnh lặng của nơi đây.
- Khi vào tham quan các ngôi nhà cổ và chụp ảnh thì nên xin phép gia chủ để thể hiện phép lịch sự.
- Tham quan làng cổ Đường Lâm bạn nên mặc những bộ đồ kín đáo hoặc có thể hóa thân vào cô gái Bắc Bộ xưa vừa lịch sự phù hợp với những chốn linh thiêng vừa có được bộ ảnh sống ảo siêu đẹp.
- Trước khi vào làng cổ bạn phải mua vé ở cổng làng Mông Phụ với giá 20.000 đồng/người.
- Nên mua một tấm bản đồ để có thể di chuyển thuận tiện hơn mà không bị lạc đường trong làng cổ.
- Vào bữa trưa bạn có thể đặt cơm tại quán nước bên cạnh Đình Mông Phụ. Cơm ở đây chuẩn bị theo mâm với những món ăn đặc trưng của Bắc Bộ như cà muối, thịt rang cháy cạnh, gà xé,… Giá một mâm cơm cũng khá hợp lý nên bạn hoàn toàn có thể đặt cơm để thưởng thức trọn vẹn cuộc sống bình dị ở làng cổ Đường Lâm.
Hóa thân thành cô gái Bắc Bộ giản dị tại làng cổ
Rời xa sự náo nhiệt của thủ đô về với làng cổ bạn sẽ được tận hưởng trọn vẹn cuộc sống làng quê yên bình, thơ mộng. Bầu không khí trong lành, kiến trúc cổ xưa độc đáo, thiên nhiên xanh mướt, tất cả đều có thể tìm thấy ở làng cổ Đường Lâm.
Ảnh: Fb Maria Tuyền
Phương Thảo (tổng hợp) – Theo Báo Thể thao Việt Nam
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.