Khám phá những công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn được check in nhiều nhất
Sài Gòn - thành phố xinh đẹp, tấp nập vẫn còn lưu giữ những nét tinh hoa xưa cũ của cả đất nước Việt Nam. Nếu đã một lần đến đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được những công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn tuyệt đẹp.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh
Là một trong những công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn. Mỗi ngày bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều lượt khách đến đây thăm quan và khám phá.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: staticflickr
Toạ lạc tại số 2 trên đường Quảng Trường Công xã Paris (Phường Bến Nghé, Quận 1), bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh nằm ngay bên cạnh nhà thờ Đức Bà. Vì vậy việc đi lại đến đây rất thuận tiện, bạn có thể dễ dàng đi ô tô, xe máy hoặc xe buýt để đến đây.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh nằm ngay bên cạnh nhà thờ Đức Bà. Ảnh: luhanhvietnam
Được xây dựng từ năm 1886 – 1891 bởi kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel người Pháp, du khách sẽ thấy bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh khoác lên mình lớp sơn màu vàng nổi bật trong nắng chiều Sài Gòn với những hàng cửa sổ uốn cong. Chính giữa Bưu Điện là chiếc đồng hồ lớn với những đường nét trang trí nhẹ nhàng dễ dàng thu hút tầm nhìn của du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến đây tham quan.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh khoác lên mình lớp sơn màu vàng nổi bật. Ảnh: staticflickr
Điều khiến du khách ấn tượng nhất chính là những mái nhà, hệ thống ô cửa mái vòm lớn nằm dọc các trần toà nhà được toả ra bốn phía để chống đỡ. Ngắm nhìn thật lâu, bạn sẽ thấy phần trần bưu điện cong cong chạy dài rất giống hình thùng rượu khổng lổ, sàn gạch được lát màu kem sáng bóng làm không gian nơi đây trở nên rộng lớn, thoáng mát.
Phần trần nhà uốn cong. Ảnh: staticflickr
Hai bên toà nhà là hai bản đồ lịch sử của Sài Gòn với nhiều vùng miền được những nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ vẽ tay cầu kỳ trên tường. Lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa phong cách Châu Âu với cách trang trí của người Châu Á đã khiến cho du khách đến đây đều say đắm ngắm nhìn không muốn rời. Mặc dù tồn tại đã rất lâu đời nhưng chỉ cần đến đây, bạn vẫn sẽ thấy ấn tượng trước vẻ đẹp cổ điển xen lẫn hiện đại của bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Vẻ đẹp cổ điển xen lẫn hiện đại của bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: luhanhvietnam
Hai bên lối vào là những hàng cột sắt màu xanh lá cây thẳng tắp với những hàng ghế gỗ bóng đã có từ lâu đời. Ngồi ở đây, bạn sẽ cảm thấy giống như đang ngồi đợi chuyến tàu tiếp theo của ga đường sắt Anh ở thế kỷ 20. Chính giữa trung tâm bưu điện là hình ảnh vị lãnh tụ Cách Mạng Hồ Chí Minh.
Từng ô cửa đều được thiết kế tỉ mỉ chi tiết. Ảnh: luhanhvietnam
Nhìn bao quát bên trong, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy bốn dãy bàn gỗ lớn xếp dọc chính giữa bưu điện để phục vụ cho người dân có nhu cầu thực hiện các giao dịch liên lạc, gửi bưu phẩm, chuyển phát nhanh… Đặc biệt, hai bên sảnh chính bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh vẫn lưu giữ những hòm thư cổ và các bốt điện thoại xưa khiến du khách được hoài niệm về một thời đã qua.
Tấm bản đồ được vẽ tỉ mỉ trên tường. Ảnh: luhanhvietnam
Bạn sẽ nghĩ chẳng có gì đặc biệt nhưng sẽ là một ý kiến sai lầm nếu như bạn không một lần đặt chân vào bên trong toà nhà bưu điện, choáng ngợp trước không gian cũng như kiến trúc độc đáo ở nơi đây. Bước vào bên trong thôi, du khách như được sống chậm lại, bất kỳ mọi góc nào của Bưu điện hay những lối kiến trúc cổ điển ở đây như dừng lại để bạn có thể hình dung và cảm nhận một thoáng Sài Gòn xưa.
Rất nhiều món quà lưu niệm. Ảnh: luhanhvietnam
Địa chỉ: Số 2, Công xã Paris, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn tọa lạc ở số 1 công trường Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn không có khuôn viên hay hàng rào bao quanh, tạo góc nhìn đẹp từ mọi phía – điểm nhấn đặc biệt trong không gian đô thị.
Nhà thờ Đức Bà tọa lạc ở vị trí trung tâm Quận 1. Ảnh: media
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có tổng chiều dài 91m, rộng 35,5m, vòm mái chính cao 21m và hai tháp chuông hai bên cao gần 57m. Vật liệu chính là xi măng, riêng ngoài mặt được xây bằng đá xanh và gạch trần. Điểm đặc sắc nhất thu hút khách du lịch đó chính là nét kiến trúc bên trong đầy phong vị cổ kính mà không nơi nào có được.
Tổng thể công trình Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: ximgo
Thánh đường là khu chính được thiết kế đặc biệt, rộng nhất tại nhà thờ, có thể chịu tới gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc bên trong với sức chứa hơn 1.200 người. Toàn bộ chiều dài của thánh đường là 93m, rộng 35m, chiều cao của mái vòm gần 21m với thiết kế gồm lòng chính, hai lòng phụ và hai bên là hai dãy nhà nguyện.
Tòa thánh đường nhà thờ Đức Bà. Ảnh: vnexpress
Các bàn thờ bên trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đều được khắc bằng đá cẩm thạch nguyên khối. 56 ô cửa kính nhiều màu sắc ghép lại với nhau tạo nên hình ảnh rất đẹp. Các ô cửa này mô tả nhân vật và sự kiện trong kinh thánh. Cùng với đó là những đường nét, hoa văn trang trí bên trong thuần nét Roman kết hợp Gothic tôn nghiêm và trang nhã.
Ổ cửa kính nhiều màu sắc ghép. Ảnh: giothanhle
Sau gần 15 năm nhà thờ hoàn tất, tới tận năm 1895 hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà mới được thi công xây dựng. Theo thiết kế của kiến trúc sư Gardes, tháp chuông cao 57m với 21m là mái vòm. Lúc này có tất cả 6 chuông theo 6 âm treo trên hai tháp chuông này, chúng được thiết kế và hoàn tác bởi bàn tay của các nghệ nhân người Pháp.
Chuông tại nhà thờ. Ảnh: kenhhomestay
Phía trước nhà thờ là khuôn viên xanh mát, giao với bốn con đường tạo thành cây thánh giá – biểu tượng của đạo công giáo. Đặt ở trung tâm của công viên là bức tượng mẹ Hòa Bình làm bằng đá cẩm thạch, do G.Ciocchetti điêu khắc vào năm 1959. Bức tượng này được đưa từ Roma về và đặt ngay trên nền cũ – nơi từng đặt hình Giám ngục Adran dẫn theo hoàn tử Cảnh.
Bức tượng mẹ Hòa Bình. Ảnh: phunuonline
Tượng Đức Mẹ có chiều cao 4,6m, nặng 8 tấn trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu có đinh cây thánh giá, mắt nhìn đăm chiêu lên bầu trời như cầu nguyện hòa bình cho người dân Việt Nam. Đó là lý do mà nhà thờ được đặt tên là nhà thờ Đức Bà.
Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh
Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn với phong cách miền Tây Âu. Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh hay còn gọi là Nhà hát Thành phố hoặc Nhà hát Lớn là một nhà hát có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu. Ảnh: yeudulich
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh là một đối trọng về mặt kiến trúc với Nhà hát lớn Hà Nội, nó giữ riêng nét đặc thù có một không hai. Tác giả của tòa kiến trúc này là các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret xây dựng năm 1900 theo lối kiến trúc "flamboyant" của thời Đệ tam cộng hòa Pháp.
Cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais cất cùng năm tại Pháp. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng. Ngoài tầng trệt còn 2 tầng lầu tổng cộng 1800 chỗ ngồi. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng. Ảnh: hanoitv
Theo phong cách Đế quốc, mặt tiền nhà hát được trang trí nhiều phù điêu và tượng đắp nổi (giống như Toà thị chính), nên bị chỉ trích là khá rườm rà và rối rắm. Vì vậy vào năm 1943, một số chi tiết trang trí này đã bị dỡ bỏ nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc.
Vào năm 1998, nhân dịp kỷ niêm 300 thành lập Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền đương thời phục hồi chức năng cũ là nhà hát thành phố cũng như đã cho phục hồi một số trang trí như tượng 2 nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn... trong đợt cải tạo và nâng cấp nhà hát. Tổng kinh phí trùng tu phục chế vào khoảng 25 tỷ đồng thời giá bấy giờ.
Công trình kiến trúc Sài Gòn này mang đậm phong cách kiến trúc Baroque. Ảnh: hanoitv
Địa chỉ: Số 7, công trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Chợ Bến Thành
Một công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn nữa không thể không nhắc đến chính là chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất và hoạt động liên tục đến bây giờ.
Chợ Bến Thành – biểu tượng nổi tiếng của thành phố. Ảnh: yesvietnam
Nơi đây không chỉ là chợ kinh doanh buôn bán bình thường như những chợ khác mà còn là chứng nhân lịch sử chứng kiến mọi thăng trầm, trải qua mọi cuộc chiến tranh cùng thành phố nên được coi là biểu tượng của thành phố. Nếu đi du lịch Sài Gòn mà không đến thăm chợ Bến Thành thì không được gọi là một chuyến đi trọn vẹn.
Công trình kiến trúc Sài Gòn không chỉ là chợ kinh doanh buôn bán như những chợ khác mà còn là chứng nhân lịch sử. Ảnh: yesvietnam
Chợ Bến Thành được thiết kế 4 hướng cổng, mỗi cửa lại kinh doanh những mặt hàng riêng biệt, chủ yếu các mặt hàng quần áo, vải vóc, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi và hàng ngàn món quà lưu niệm đầy ý nghĩa để gửi tặng người thân, bạn bè.
Chợ kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau. Ảnh: dulichvietnam
Bên cạnh những món quà lưu niệm, thời trang, bạn còn có thể khám phá khu vực ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú từ mọi miền của đất nước như phở Hà Nội, bánh bèo Huế, hủ tiếu Mỹ Tho, chả giò, các món bún, bánh xèo… Ngoài ra, bạn còn được trải nghiệm những món ăn nước ngoài từ Á như của Thái, Lào, Campuchia.. tới các món Âu.
Bạn còn có thể khám phá khu vực ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú. Ảnh: truyenhinhdulich
Điều khác biệt lớn nhất của chợ Bến Thành với các khu chợ khác là chợ Bến Thành hoạt động cả ngày lẫn đêm. Khoảng 7h tối là thời điểm chợ Bến Thành trở thành một khu chợ đêm lung linh sắc màu với đa dạng mặt hàng và đủ loại món ăn như lẩu, món nướng, bia,các món hải sản… cực hấp dẫn.
Chợ Bến Thành hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ảnh: dulichvietnam
Địa chỉ: Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sài Gòn là nơi lưu giữ rất nhiều dấu ấn văn hóa, nghệ thuật xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Điển hình nhất là các công trình kiến trúc Pháp có tuổi đời hàng trăm năm, làm nên vẻ đẹp và chất riêng cho vùng đất Sài Thành. Có dịp đặt chân đến đây, bạn có thể dành thời gian khám phá những công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn mà người Pháp đã xây dựng.
Hồng Ánh
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.