Khám phá những làng nghề truyền thống ở Huế
Ghé thăm và khám phá những làng nghề truyền thống ở Huế chính là cách giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, truyền thống, bản sắc cũng như con người nơi đây.
Nhắc đến Huế người ta không chỉ nhớ đến các thắng cảnh, những công trình kiến trúc lăng tẩm cổ kính, những món ăn cung đình tinh tế, cầu Trường Tiền bắc ngang dòng sông Hương hiền hòa… mà còn có cả những làng nghề đặc sắc và lâu đời. Mỗi làng nghề lại gắn liền với những câu chuyện lịch sử, với những tài khéo và sản phẩm ấn tượng riêng.
Làng nghề làm nón
Hình ảnh chiếc nón lá trắng tinh đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của xứ Huế và Huế cũng là nơi sản xuất nón lá lớn của cả nước. Nghề làm nón có nguồn gốc từ làng quê Tây Hồ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua nhiều năm phát triển, đến nay đã có không ít làng đi theo nghề này như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa…
Chiếc nón lá đẹp bình dị – biểu tượng của xứ Huế mộng mơ (Ảnh: divui.com)
Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để tạo nên một chiếc nón lá duyên dáng và tinh tế, các nghệ nhân làm nón phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, chằm hoàn thiện chiếc nón đến khâu cuối cùng là đánh bóng bảo quản,… đều được trau chuốt một cách khéo léo.
Người thợ làm nón chăm chút từng đường kim mũi chỉ (Ảnh: HAV Travel)
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu che mưa, đội nắng mà những chiếc nón lá ngày nay được các nghệ nhân sáng tạo về mẫu mã, màu sắc. Đó là những hình ảnh Huế thân thương, những câu chữ gửi gắm,… trở thành món quà lưu niệm được rất nhiều du khách ưa chuộng. Nếu thích, bạn có thể ghé các làng nghề hoặc ở chợ Dạ Lê, Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự,… để mua, giá cho mỗi chiếc nón lá từ 30.000 – 60.000 vnđ.
Làng tranh làng Sình
Làng Sình nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9 km về phía Đông, được nhiều người biết đến với nghề làm tranh dân gian nổi tiếng. Tranh làng Sình gồm hơn 50 đề tài, chia thành 3 nhóm chủ đề chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Tranh này đặc biệt ở chỗ là không dùng bút hay màu để vẽ mà dùng khuôn vẽ, một bức tranh hoàn thiện sẽ cần rất nhiều khuôn màu in lên giấy.
Những bức tranh được tạo ra từ các nghệ nhân làng Sình (Ảnh: giacmoviet.vn)
Giấy in tranh là loại giống giấy in báo, màu là mua ở chợ. Khuôn in bằng gỗ mít, họ tự khắc hoặc thuê thợ khắc. Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính. Những màu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ thủ công, tạo nên nét riêng biệt cho những bức tranh nơi đây. Với sự dày công và khéo léo, tranh làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình tranh dân gian mà còn gắn liền với văn hóa tâm linh của xứ Huế.
Nghề làm tranh giấy tồn tại hàng trăm năm nay (Ảnh: Vntrip.vn)
Ghé thăm Làng Sình, bạn không những được tận mắt chứng kiến quá trình các nghệ nhân làm tranh mà còn phần nào hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng cổ sơ và tư tưởng người Việt cổ.
Làng nghề gốm Phước Tích
Nằm cách trung tâm thành phố Huế 35 km về hướng Bắc, làng cổ Phước Tích nằm lặng lẽ bên bờ sông Ô Lâu, địa phận chia cắt tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Quảng Trị. Mặc dù hơn 500 năm tuổi nhưng làng cổ Phước Tích vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên văn hoá làng nghề truyền thống.
Công đoạn làm gồm hoàn toàn bằng thủ công (Ảnh: dulichvn.org.vn)
Làng gốm Phước Tích nổi tiếng với những sản phẩm gốm được nhào nặn thủ công. Đó chủ yếu là lu, chum, ghè, thạp, thống, om, bùng binh, tu huýt,… Không chỉ có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương, đồ gốm nơi đây còn có mặt ở khắp các vùng từ Nghệ An vào đến Nam Bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa… cũng đã được bán sang Nhật Bản. Đến đây du khách không chỉ tìm hiểu công đoạn làm gốm mà còn được tham quan những ngôi nhà cổ và các di tích để lại.
Các sản phẩm gốm Phước Tích (Ảnh: vov2.vov.vn)
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề làm hoa giấy này là một làng nghề nổi tiếng ở Huế, đã tồn tại gần 400 năm nay. Không phải là nghề mưu sinh chính nhưng người dân vùng này vẫn duy trì nghề. Đặc biệt cứ dịp Tết đến xuân về làng Thanh Tiên lại nhộn nhịp, tất bật, rộn rã tiếng cười với nghề làm hoa giấy, nổi bật với nhiều màu sắc từ hoa.
Nghề làm hoa giấy được truyền từ nhiều thế hệ (Ảnh: baotintuc.vn)
Hoa giấy vốn được dùng để trang trí những nơi thờ tự trong nhà, các miếu am, chùa chiền... Sau này, nhờ sự đa dạng và phong phú về màu sắc, kiểu dáng nên hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người dùng để trang trí nhà cửa, lễ hội, chương trình văn hóa văn nghệ... Khác biệt so với hoa giấy ở các nơi khác, mỗi cành hoa ở đây bao giờ cũng có 8 hoa chính, ba cành hoa ở giữa.
Những bông hoa giấy được làm khéo léo tới từng chi tiết (Ảnh: Gotrangtri.vn)
Hoa giấy Thanh Tiên còn đẹp và khác biệt ở cách nhuộm màu. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền nên hoa giữ được màu sắc lâu bền. Những cánh hoa và màu sắc của hoa được làm khéo léo tới từng chi tiết,… Chính những điều đó đã khiến nó trong đặc biệt và thu hút hơn.
Làng Hương Thủy Xuân
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7 km về phía Tây Nam, đó chính là làng hương lớn nhất của Huế - Thủy Xuân. Người dân vùng này sống bằng nghề làm hương cung cấp cho các đại lý trong thành phố. Nhiều năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, làng Hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến ở Huế thu hút rất nhiều du khách.
Làng hương thu hút nhiều du khách ghé thăm (Ảnh: 2Sao)
Ghé thăm ngôi làng này, bạn sẽ có dịp trầm trồ trước những bông hoa hương muôn sắc bắt mắt và ngập tràn trong mùi hương trầm thơm ngát, được những người thợ tinh tế sắp xếp thành từng, từng chùm, có những tỏa ra như những đóa hoa đẹp rực rỡ. Đặc biệt, sẽ cảm thấy thích thú khi được người dân tạo điều kiện để tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào việc làm hương.
Những chùm hương tỏa ra như những bông hoa rực rỡ (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)
Nghề đan lát Bao La
Cách thành phố Huế 15 km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng. Làng nghề được hình thành từ xa xưa. Ban đầu đan lát không phải là công việc chính của những người dân nơi đây, họ chỉ làm vào thời gian rảnh và tạo ra những vật dụng quen thuộc trong gia đình. Càng về sau, các sản phẩm này được nhiều người ưa chuộng và tìm mua, từ đó người dân cũng bắt đầu sản xuất nhiều hơn.
Đan lát trở thành nghề truyền thống của Huế (Ảnh: khamphadisan.com.vn)
Có rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ vật liệu mây và tre như: rổ, rá, dần, sàng, nong phơi, chõng tre, nôi trẻ em, giường ngủ…. Thông thường, loại tre mà người dân nơi đây chọn dùng để đan lát đó là loại tre đặc biệt: thân thẳng, gióng dài, mà người dân nơi đây thường gọi là tre lồ ô. Từ những cây tre lồ ô này, qua bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo ra những vật dụng cần thiết và gần gũi với cuộc sống của con người.
Rất nhiều sản phẩm đan lát ấn tượng (Ảnh: Hue Smile Travel)
Có thể thấy mỗi làng mang một vẻ đẹp, một nét riêng, nhưng điểm chung là đều ẩn chứa những giá trị văn hóa đáng trân trọng và cần gìn giữ, phát triển. Nếu có dịp du lịch Huế, sau khi khám phá thành phố bạn hãy đi xe buýt hoặc thuê một chiếc xe máy lòng vòng khám phá các làng nghề để hiểu hơn về cuộc sống nơi đây.
Nhi Tuyết (tổng hợp) - dulichvietnam.com.vn
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.