Khám phá văn hóa các nước châu Á qua phong tục chào hỏi
Ở Việt Nam người ta chào nhau bằng những cái bắt tay hay cái ôm nhẹ, còn phong tục chào hỏi của các nước khác châu Á thì sao?
Thái Lan
Có lẽ bạn đã quá quen với hình ảnh người dân Thái chắp hai tay trước ngực, cúi đầu chào lịch sự. Cách chào hỏi này được cho là chịu ảnh hưởng một phần từ đạo phật, gọi là Wai. Khi chào, người Thái sẽ chắp tay ở vị trí ngang lồng ngực giống tư thế vái lạy và cúi người. Nếu muốn thể hiện sự tôn trọng hơn, người chào sẽ nâng cao vị trí chắp tay bằng cổ, mặt hoặc trán.
Người Thái Lan thường chắp tay chào nhau. Ảnh: thailanct.hcmussh.edu.vn
Bàn tay đặt càng gần mặt càng chứng tỏ sự tôn trọng người được chào. Tư thế này cũng được sử dụng khi người Thái muốn bày tỏ sự xin lỗi và cảm ơn. Họ cấm kỵ hành động hất hàm, vỗ tay lên đầu người khác.
Nhật Bản
Nếu đến du lịch Nhật Bản bạn sẽ thấy phong cách của người Nhật khá khép kín, họ không bao giờ tỏ thái độ quá háo hức, thân thiện với mọi người. Người Nhật chỉ cúi đầu một cách kính cẩn, lịch sự. Nếu người chào càng gập người sâu cho thấy đối phương là người lớn tuổi đáng kính trọng hoặc là người có địa vị cao trong xã hội.
Người Nhật sẽ chào nhau bằng cái cúi đầu. Ảnh: sugoi.vn
Người Nhật rất coi trọng các nghi thức chào hỏi xã giao. Nếu chào một cách hời hợt thường sẽ bị quở trách. Hơn thế, cách chào cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn chào ai, vào thời gian nào trong ngày và ý định của bạn là gì. Bên cạnh đó, người Nhật Bản thường giữ cho mình một khoảng cách nói chuyện an toàn, không quá gần vì như vậy sẽ thể hiện sự bất lịch sự hoặc quá xuồng xã.
Hàn Quốc
Việc cúi đầu chào hỏi là thói quen của của người Hàn Quốc. Cúi đầu trong văn hóa Hàn Quốc để thể hiện lòng kính trọng của mình đối với người khác, người lớn tuổi hoặc có địa vị cao hơn. Khi bạn cúi đầu thì quan trọng nhất là cúi thấp người từ phần eo – thắt lưng trở lên và bạn phải đứng thẳng với phần đầu gối khép lại với nhau.
Cách chào hỏi truyền thống của người Hàn. Ảnh: duhochanquoc.com.vn
Tuy nhiên bạn sẽ hiếm khi thấy những người bạn thân cúi đầu với nhau trừ khi khoảng cách tuổi tác của họ cách xa hoặc họ đang ở những nơi công cộng, trang nghiêm. Thay vào đó những cái vẫy ta chào với bạn bè, đồng nghiệp đang dần trở nên phổ biến hơn trong văn hóa chào hỏi ở Hàn Quốc.
Singapore
Văn hóa giao tiếp ở Singapore có sự giao thoa giữa văn hóa châu Á và văn hóa châu Âu. Do đó, khác với người Nhật hay Trung Quốc, người Singapore khá thân thiện. Họ bắt tay một cách thân mật thay cho lời chào hỏi lúc gặp mặt. Nếu gặp những người lớn tuổi hãy cúi đầu chào lễ phép, họ sẽ rất hài lòng.
Họ bắt tay một cách thân mật thay cho lời chào hỏi lúc gặp mặt. Ảnh: Tour Singapore
Tuy nhiên vì là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, Singapore có một bộ phận không nhỏ người Hồi giáo, nên việc bắt tay giữa những người khác phái là cực kỳ tối kỵ. Khi đàn ông gặp phụ nữ hãy để họ là người chủ động bắt tay với bạn. Đây là một phép lịch sự và cũng thể hiện sự ga lăng của phái mạnh.
Malaysia
Cách chào của người Malaysia lại mang một thông điệp khác, khá đặc biệt – chào mừng bạn bằng cả trái tim. Thông điệp này không thể hiện bằng lời nói mà thông qua hành động lịch thiệp.
Người Malaysia sẽ đặt tay lên ngực trái khi chào nhau. Ảnh: Travelmart.vn
Đàn ông và phụ nữ nước này chào nhau bằng cách áp các ngón tay vào nhau, sau đó rút tay về đặt lên ngực trái. Họ tuyệt đối không bắt tay nhau. Ngoài ra, trong phong tục chào hỏi, người Malaysia luôn giới thiệu từ người có địa vị xã hội cao cho đến người có địa vị thấp, từ người già đến người trẻ, từ phụ nữ đến nam giới.
Indonesia
Đối với người Indonesia, khi chào hỏi họ sẽ có những cái bắt tay kèm theo gật đầu. Người lớn thường không ngẩng cao đầu mà hạ thấp cổ hay hạ thấp vai khi đi qua để thể hiện sự tôn trọng người chào. Đặc biệt, người dân nước này cực kỳ kiêng kỵ việc vuốt đầu, kể cả là những em bé. Bởi họ quan niệm đây là một hành vi bất lịch sự. Bạn cũng cần lưu ý, không được bắt tay quá lâu, hãy dùng lực vừa phải, không nắm quá chặt hoặc quá lỏng và nhớ là chỉ được phép dùng tay phải.
Ở Singapore chào nhau bắt cách nắm tay và cúi đầu. Ảnh: Intertour
Mông Cổ
Người Mông Cổ cũng có cách chào rất khác biệt mà chỉ cần nhìn vào đó bạn sẽ nhận ra đó có phải là người Mông Cổ hay không. Họ thường chào đón bằng cách giang rộng cánh tay và mắt nhắm nghiền lại. Cách chào này thể hiện sự chào đón một cách niềm nở, và họ không quan tâm địa vị xã hội của đối phương mà coi đó là một người bạn.
Hành động chào rất thân mật. Ảnh: Kenh14
Khi chào hỏi, người Mông Cổ thường sử dụng tấm vải bằng lụa hoặc coton hay còn gọi là hada cho những lần gặp mặt, kể cả đó là người quen hay khách lạ đến nhà. Lúc này, mỗi người nhẹ nhàng cầm dải lụa bằng hai tay và từ từ cúi thấp người xuống. Đây là một kiểu chào hỏi quan trọng, đậm chất truyền thống thể hiện sự tôn trọng văn hóa Mông Cổ.
Tây Tạng
Chắc hẳn khi chưa hiểu rõ phong tục của người Tây Tạng, bạn sẽ có cảm giác bị nhạo báng khi thấy người dân này thè lưỡi ra khi gặp mình. Tuy nhiên, đây chính là cách chào hỏi truyền thống của họ. Nét văn hóa này có từ thế kỷ thứ 9, khi vua Lang Darma – người được cho là có lưỡi màu đen, trị vì. Nhưng để chứng minh mình không phải là hiện thân của vị vua này, người dân Tây Tạng phải thè lưỡi ra khi chào hỏi nhau.
Thú vị trước cách chào hỏi của người Tây Tạng. Ảnh: Vietravel
Trung Quốc
Người Trung Quốc khi gặp nhau sẽ cúi đầu chào hoặc khom người xuống, một số sẽ bắt tay nhau. Nhưng khi bắt tay bạn cũng cần chú ý phải thật nhẹ nhàng đối với phụ nữ. Vì vốn dĩ những người oi Trung Quốc cũng khá e dè trong việc khi tiếp xúc cơ thể nên bạn cần để ý thể hiện lới chào một cách thật tế nhị, đặc biệt là với những người lớn tuổi.
Hãy bắt tay chào khi gặp người Trung Quốc. Ảnh: vemaybaytructuyen.com
Họ không thích việc bạn vỗ lưng hay ôm nhau khi gặp mặt, ngay cả khi đó là một cái hôn trên tay rất thông thường, điều này được coi là không hay tại Trung Quốc. Bạn được phép hỏi những câu về thu nhập, con cái, đời sống nhưng tránh nói về chính trị, sức khỏe, về Đài Loan.
Chào hỏi là một nét văn hóa, một phương thức lễ nghi thể hiện sự tôn trọng người khác. Việc hiểu rõ thói quen và văn hóa chào hỏi của người bản xứ không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn khiến người khác quý mến bạn hơn khi ghé thăm những quốc gia này.
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.