Làng bí đao khổng lồ có một không hai tại Việt Nam
Mặc dù cách thành phố Quy Nhơn 70km, điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn nhưng nhờ có sự kết nối của một số công ty du lịch, làng bí đao khổng lồ có một không hai ở Chánh Trạch 1 (Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định) đang ngày càng thu hút được khách du lịch tới thăm quan.
Vùng đất màu mỡ này có giống bí đao được xếp vào hàng “độc nhất vô nhị”, bởi mỗi quả bí đao nặng đến 50 - 60 kg, thậm chí có quả đạt 80kg.
Tương truyền, núi Ô Phi có dáng vẻ của con quạ đen vẫy cánh bay lên án ngự ở phía Tây, phía Đông là con rồng nằm canh giấc. Có một người khổng lồ gánh hai hòn núi xuống lấp biển, ngăn dòng thủy quái thì bị té, hai hòn núi rớt xuống thành Mũi Rồng và Bãi Sau án ngữ thành hình rồng nằm, có ngọn hải đăng được ví như mắt rồng chiếu sáng.
Mùa nước lớn, nguồn nước từ núi Ô Phi tuôn xuống hất tung đất đá, nhưng khi gặp bàu thì lại dịu dàng, phù sa lắng đọng. Phù sa từ trên núi chảy xuống, mang theo thổ nhưỡng đặc biệt bồi đắp hàng năm. Cho đến bây giờ chưa có ai lý giải được vì sao chỉ có nơi này mới trồng được những giàn bí đao khổng lồ như vậy.
Còn theo người dân ở đây, loại bí đao có được kích thước khổng lồ vậy là nhờ vùng đất có thổ nhưỡng đặc biệt kỳ lạ. Tại Chánh Trạch - Bình Định, ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển, bên dưới mặt đất sở hữu mạch nước ngầm tốt. Có một số người dân khi tới đây tham quan hay mua bán đều chọn mua những quả to đẹp về làm giống, tuy nhiên, khi về trồng ở vùng đất khác thì trái bí vẫn chỉ nhỏ những trái bí bình thường. Điều này càng khiến họ tò mò.
Theo người dân ở Bàu Chánh Trạch, từ tháng 10 đến tháng 11, người dân nơi ở đây ra vườn để làm đất gieo hạt bí. Đến tháng Chạp, người dân làm giàn chắc chắn cho bí leo. Sau Tết Nguyên Đán, cây bí bắt đầu ra hoa kết trái. Thời điểm này, người dân phải canh để lựa những quả đẹp mà giữ lại, mỗi dây bí chỉ giữ 1 đến 2 quả. Đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 bí đạt kích cỡ từ 50-60 kg là thu hoạch.
Một người dân có tuổi trong làng cho biết, nghề này đã tồn tại ít nhất từ 4 đời trước, những hạt giống khổng lồ được truyền lại từ đời này qua đời khác giống như một nét truyền thống. Để trồng loại bí này, ngoài việc dùng loại giống đặc biệt, còn phải thiết kế bộ giàn theo cách đặc biệt; đồng thời chăm chỉ bón phân gấp nhiều lần các cây trồng khác, rất vất vả nhưng lợi nhuận thu hoạch lại không cao.
Thu hoạch cao cộng với khó khăn về đầu ra nên một số hộ dân dần bỏ việc trồng loại cây cho trái đặc biệt này. Số còn lại đã chuyển đổi cách thức trồng và chăm sóc, chế biến để gắn việc gìn giữ giống bí đao khổng lồ với các tour du lịch cộng đồng.
Được biết, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Bình Long - một người con của quê hương Bình Định là người đầu tiên có ý tưởng hình thành các tour đưa khách du lịch về khám phá vùng quê tươi đẹp này. Theo anh Thạch, các tour du lịch tham quan vườn bí đao khổng lồ, khám phá đầm Châu Trúc, các danh thắng biển, đảo của huyện Phù Mỹ chỉ mới được anh triển khai trong vòng 2 năm nay. Tuy còn nhiều khó khăn do cách thành phố Quy Nhơn khoảng 70 km, nhiều dịch vụ địa phương còn hạn chế nhưng các đoàn khách trong nước và quốc tế luôn rất ấn tượng về đặc sản bí đao khổng lồ, cũng như tính cách mến khách của người dân nơi đây.
Huyền Lê
Theo Báo Du lịch
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.