Lặng người trước vẻ đẹp tuyệt tác của rừng tràm Trà Sư

Khung cảnh thơ mộng như lạc vào xứ sở thần tiên, con người thân thiện, nhiệt tình, còn đồ ăn thì vừa ngon vừa rẻ. Đi rừng tràm Trà Sư mới thấy ngỡ ngàng rằng: 'Việt Nam mình thật là đẹp quá!'

Ảnh: feng9296

Đi miền Tây chơi các bạn đừng quên ghé rừng tràm Trà Sư, chạy xe máy đến đây mất khoảng 2h, sau đó bạn sẽ phải đi xuồng vào rừng tràm.

Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến du lịch rừng tràm Trà Sư là chùa Hang thuộc thành phố châu Đốc. Chùa Hang do một sư bà từ Chợ Lớn về đây xây am và tu hành. Có sự tích kể rằng, cạnh am có 1 cái hang có 2 con xà tinh thường xuyên phá phách dân làng, kể từ ngày sư bà đến ở, hàng ngày được nghe kinh kệ, 2 xà tinh trở nên lành tính hẳn và khi bà mất thì 2 xà tinh cũng biến mất. Kể từ đó chùa được nhiều lần trùng tu và có dáng dấp như hiện nay.

Ảnh: @_giangthanh_

Chùa xây trên triền núi Sam nên rất thoáng mát, kiến trúc đẹp mắt. Đứng trên chùa phóng tầm mắt nhìn ra xa là thấy cả một vùng thành phố Châu Đốc đang thay da đổi thịt.

Ảnh: @nhattruong.2611

Men theo QL 91 hướng đi thị trấn Nhà Bàng đến ngã 3 rẽ trái, qua những con dốc ở núi Két, bạn sẽ được ngắm nhìn những cánh đồng thốt nốt của đồng bào Chăm ven đường hoặc dừng chân thưởng thức 1 ly thốt nốt mát lạnh, ngọt lịm cùng hương thơm đặc trưng của núi rừng phương Nam, càng thêm động lực để tiếp tục hành trình khám phá Trà Sư đầy thú vị.

Từ chùa Hang đến Trà Sư khoảng 20km. Đến khu du lịch Trà Sư, bạn mua vé theo giá niêm yết sẵn, đơn giá phụ thuộc vào số lượng khách của mỗi đoàn. Nên xếp hàng chờ thuyền đến đón, vì những ngày Tết số lượng khách rất đông. Chú lái thuyền sẽ chở bạn rẽ sang những rặng bèo tây, lướt qua những bãi sen, dọc theo những rặng tràm để đến bến xuồng của khu du lịch.

Từ đây, khoảng 3 - 5 người lên 1 chiếc xuồng ba lá, được các chị nhân viên của khu du lịch chèo đi tham quan 1 vòng rừng tràm. Rừng Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, cũng là thời điểm mặt nước ken đặc bèo tây, dày như tấm thảm. Khi đó du khách sẽ được đi thuyền trên những "con đường màu xanh" phủ kín bởi bèo tây dưới mặt nước. Bù lại, nếu đi vào mùa khô, bạn sẽ được thấy rất nhiều tổ chim, nhiều loài chim kêu ríu rít.

Ảnh: _sundaew_

Có một điều đặc biệt ở Trà Sư đó là việc chính những người dân bản địa ở đây đã được đào tạo thành hướng dẫn viên du lịch kiếm chèo ghe thuyền phục vụ du khách. Ai cũng hết sức nhiệt tình, vui vẻ chỉ dẫn và kể những câu chuyện nho nhỏ thú vị.

Ảnh: nhatblackblooded

Dạo một vòng các bạn sẽ trở lại bến xuồng, xuống thuyền để đi vào sâu bên trong và thưởng thức đặc sản nơi đây. Phía trong có nhà hàng với những món ăn đặc sản, dân dã đậm chất nam Bộ như: chuột đồng nướng lu, lươn nướng ghiền, ếch chiên xù, ếch nướng mọi, cá lóc nướng chui, gà chạy bộ nướng muối ớt, lẩu cua đồng, lẩu mắm,... đảm bảo cực ngon và giá cả khá mềm.

Ảnh: hongnhungsn

Sau khi ăn uống no say thì rảo bước lên tháp quan sát là một lựa chọn hợp lý. Trên tháp có ống kính quan sát, bạn có thể chiêm ngưỡng cả một vùng rừng tràm bao la, những bầy cò trắng, những đàn chim lũ lượt bay lượn. Thật là tiếc nếu như không lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này với những shoot ảnh đẹp mê hồn.

Ảnh: Meo Moon

Dạo bước bên những con đường rậm mát bóng tràm, bạn có thể thưởng thức những món ăn vặt từng một thời oanh tạc như si rô đá bào hoặc kem 7 màu. Một chuyến du lịch rừng tràm Trà Sư chỉ cần một ngày là có thể khám phá hết cảnh vật nơi đây.

Trên đường về, bạn có thể dừng chân tại miếu Bà chúa Xứ để cầu bình an, công việc thuận lợi trong năm mới. Và đừng quên ghé chợ châu Đốc mua những đặc sản về làm quà như: các loại mắm, khô, me thái, trái thốt nốt, đường thốt nốt hoặc một vài vật dụng xuất xứ Thái Lan nhé!

Hà Mi (Tổng hợp)

baomoi.com

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.