Lên Sơn Trà tìm cánh chim trời
Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, Bán đảo Sơn Trà thật sự là lá phổi xanh của Đà Nẵng. Nơi đây cũng là ngôi nhà chung của rất nhiều loại động vật như voọc chà vá chân nâu, các loại chim quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ. Bên cạnh phục vụ du lịch, nhiều năm trở lại đây, bán đảo Sơn Trà còn thu hút khá nhiều nhiếp ảnh gia đến săn ảnh voọc và ảnh chim muông.
Dưới đây là một vài chia sẻ về kinh nghiệm săn ảnh chim Sơn Trà muốn gửi đến các bạn có cùng niềm đam mê nhiếp ảnh.
Kinh nghiệm săn ảnh voọc chà vá chân nâu thì đã nhiều người chia sẻ, nhưng săn ảnh chim thì có vẻ khó hơn bởi chim là loài rất nhạy bén, bay nhanh, để có thể có ảnh đẹp thật sự, có khi chụp cả ngàn tấm mới chọn ra được vài tấm. Săn ảnh chim Sơn Trà không đơn giản chỉ là một lần cầm máy ảnh lên, đi quanh một vòng là có thể có ảnh đẹp, mà đó là cả quá trình đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải kiên nhẫn, phải có kinh nghiệm, phải tập trung tối đa và đương nhiên, còn cần phải có một bộ “đồ nghề” thật tốt.
Chuẩn bị trước khi đến Sơn Trà săn ảnh chim
- Một bộ máy ảnh chất lượng để có thể có những tấm ảnh đẹp nhất. Cái này không phải bàn nhiều vì mỗi nhiếp ảnh gia đều xem “bộ đồ nghề” này là “con cưng” cả.
- Tinh thần kiên nhẫn, chấp nhận đi đi về về nhiều lần, khả năng quan sát, đi bộ, tìm kiếm…
Một bộ máy chất lượng sẽ cho ra những tác phẩm ảnh đẹp
Giai đoạn tìm hiểu
Muốn săn ảnh chim, bạn phải đến Sơn Trà vào buổi sáng sớm. Không phải cứ lên một lần là có thể chụp ảnh ngay. Trước khi bắt tay vào chụp ảnh, bạn phải quan sát qua nhiều ngày để nắm bắt được địa điểm chim thường hay đậu lại, quan sát thói quen săn mồi của chim.
Chim trên Sơn Trà thường thích đậu ở nơi yên tĩnh
Vào buổi sáng sớm lúc không khí trong lành nhất, trời yên bể lặng, chưa có quá nhiều người lên đây ngắm cảnh, lúc đó các loài chim mới có cơ hội đậu lại trên các cành cây. Mỗi loài chim có những thói quen khác nhau, chúng thích đậu ở những vị trí yên tĩnh. Có loài thích “ngẩn người”, “nghĩ ngợi” từ 10 đến 15 phút. Cũng có loài chỉ đậu một chút, rỉa cánh chốc lát rồi lại bay đi ngay.
Có lúc chúng chỉ đứng "ngẩn người" như thế này...
Có khi lại là đang rất tập trung quan sát động tĩnh con mồi...
Loài chim cực kì nhạy với chuyển động của con người nên khi muốn tiếp cận để săn ảnh, bạn phải nhẹ nhàng và không được vội vàng. Có thể dành vài ngày trước đó để quan sát thói quen đậu lại của chim. Khi đã chắc chắn là chúng có “địa điểm quen thuộc” để dừng chân, thì hãy tiến hành bước tiếp theo.
Loài chim cực kì nhạy bén với chuyển động của con người
Giai đoạn chụp ảnh
Đến sớm nhất có thể, lắp đặt máy móc. Kinh nghiệm cho thấy bạn nên đứng cách vị trí chim đậu khoảng 5 đến 10 m. Cách xa quá sẽ không chụp được vì các giống chim trên Sơn Trà đều rất nhỏ. Cách gần quá chim sẽ có thể nghe được tiếng chuyển động của bạn hoặc tiếng máy ảnh phát ra.
Để bắt được cả những khoảnh khắc động và tĩnh như thế này bạn cần phải quan sát và chuẩn bị trước đó nhiều ngày
Khi đã đứng đúng vị trí, nhắm đúng đối tượng thì phải “nín thở” mà chụp ngay. Chụp liên tục cả trăm tấm để không bỏ sót bất cứ một chuyển động nào của chim, từ khi chúng đứng yên rỉa cánh cho đến khi cất cánh bay.
Từng chuyển đông của chim sẽ đều được ghi lại...
Nếu bạn bấm máy nhanh và liên tục
Chụp ảnh chim lúc săn mồi lại còn khó hơn, nhưng nếu chụp được sẽ cho ra những tấm ảnh “để đời”. Trước khi săn mồi, chim sẽ đứng quan sát cực kì lâu trên bờ. Vừa thấy dưới mặt nước có chuyển động là chúng sẽ sà xuống, quắp lấy con mồi và bay ngược lên cực kì nhanh. Quá trình diễn giải thì lâu nhưng thực tế chỉ vài giây là kết thúc rồi, có khi còn chưa kịp chớp mắt đã xong. Nên nếu bạn muốn săn bằng được cảnh bắt mồi thú vị ấy, nhất định phải tập trung tối đa tinh thần và lực quan sát.
Hình ảnh chú chim nhỏ đứng trên bờ quan sát mặt nước...
Thấy con mồi là lập tức sà xuống ngay...
Quá trình chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi
Khoảnh khắc "để đời"
Lưu ý: Nếu muốn có một bộ ảnh chim Sơn Trà cực đẹp, bạn còn phải chú ý cả về thời gian thực hiện nữa nhé. Vào mùa hè, ánh sáng và nắng thường tốt hơn, mùa đông thiếu sáng nên ảnh thường có vẻ tai tái, không rõ nét. Nhớ mặc đồ màu chìm thôi, dễ ngụy trang vào cây cối trong rừng để chim không phát hiện ra.
Chụp vào mùa hè nhiều ánh sáng sẽ cho ra những tấm ảnh đẹp hơn
Chim có loài thích săn mồi như bói cá, nhưng cũng có loài chỉ thích ăn trái cây, nên bạn phải xác định trước là bạn muốn chụp loài chim nào để thuận lợi hơn khi tìm kiếm vị trí dừng chân của chúng. Ví dụ, muốn chụp chim bói cá thì hãy quan sát vùng gần ao hồ.
Có loài chim thích ăn tôm nhỏ...
Có loài thích ăn cá nhỏ...
Lưu ý về thói quen của loài chim bói cá: Loài chim này nhỏ, lông màu sặc sỡ, có cườm, mỏ nhọn, chân đỏ có màng. Chúng hãy sống cùng nhau, tùy theo khu vực, có thể có 4 - 5 con, hay ăn cá hoặc tôm nhỏ. Chim bói cá săn mồi rất điệu nghệ. Nếu bạn đi theo loài chim này có thể sẽ săn được một ảnh cực kì hấp dẫn bởi vừa có ảnh tĩnh (lúc chim đậu, tỉa cánh, rỉa lông) vừa có ảnh động (lúc chim bắt mồi). Tuy nhiên, đây cũng là loài chim có tốc độ bay rất nhanh và cực kì nhạy bén nên tiếp xúc một hai lần đầu có thể sẽ thất bại.
Giai đoạn hậu kì
Giai đoạn hậu kì rất quan trọng với những bộ ảnh nghệ thuật thế này
Ảnh muốn đẹp, giai đoạn hậu kì có khi còn tốn thời gian gấp nhiều lần. Nhưng bù lại, bạn sẽ có một bộ ảnh chim Sơn Trà vô cùng độc đáo. Như đã nói ở trên, ảnh Voọc Sơn Trà có lẽ đã nhiều người có, nhưng ảnh về chim chóc thì rất hiếm, vì ít có người kiên nhẫn đi đến cùng. Nên nếu bạn có thể một lần thực hiện trọn vẹn tất tần tật quá trình này, tin rằng bạn sẽ có một bộ ảnh cực kì đáng nhớ. Có đôi khi chuyện theo đến cùng một mục tiêu chẳng phải để phục vụ cho mục đích nào lớn lao hay quan trọng, chỉ là nếu đam mê đủ lớn, thì cứ thực hiện thôi.
Ảnh: Trung Đào
Cẩm Luyến
dulichvietnam.com.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.