Mênh mông Mông Cổ
Timothy Allen - nhiếp ảnh gia người Anh nổi tiếng với những bộ ảnh chân dung các cộng đồng biệt lập trên khắp thế giới. Anh có nhiều thời gian ở Mông Cổ và ghi lại những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống nơi đây. Trong một ghi chép điền dã, T. Allen viết: “Không nơi đâu kỳ diệu như Mông Cổ. Nếu không tin, bạn có thể tự mình trải nghiệm. Và đã đến đây ắt hẳn bạn không muốn quay trở về”.
Mông Cổ giáp Trung Quốc về phía nam và Nga về phía bắc. Một quốc gia mênh mông với diện tích lên tới hơn 1,5 triệu km2. Mông Cổ rộng thứ 18 thế giới nhưng lại là quốc gia thưa dân nhất thế giới, với chỉ khoảng trên 3 triệu người. Hầu hết diện tích đất nước là thảo nguyên và sa mạc, trong đó sa mạc Gobi nổi tiếng toàn thế giới. Ulan Bator là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Mông Cổ, là nơi cư trú của khoảng 45% dân số toàn quốc.
Từ xa xưa, người Mông Cổ đã quan niệm sống du cư, họ là những “công dân du mục” nổi tiếng nhất thế giới. Tới nay, cuộc sống đổi thay, nhưng ước tính vẫn có tới 30% người dân giữ lối sống cũ, có nghĩa là những người du mục hoặc bán du mục. Trong những chuyến di cư nay đây mai đó, họ mang theo trên những cỗ xe, những căn lều và trong tâm hồn mình trọn vẹn cả một nền văn hóa.
Cuộc sống thường ngày.
Đất nước mênh mông, nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhưng nhìn chung Mông Cổ có hai mùa rõ rệt: mùa hè và mùa đông. Đặc biệt, mùa đông nơi đây được coi là cực lạnh, mà lạnh nhất là vào tháng 1 hàng năm khi nhiệt độ có ngày ở mức âm 30 độ C. Chưa hết, cái lạnh cắt da cắt thịt lại cộng hưởng từ những cơn gió ù ù thổi suốt ngày đêm càng khiến cho đất trời mờ mịt.
Con người sống và lớn lên trong môi trường thiên nhiên ấy đã trở nên dũng mãnh và can trường, sức chịu đựng của họ đã tới độ vô song. Trong những ngày giá rét, người ta thường tổ chức những cuộc thi đấu vật cho cánh đàn ông. Có lẽ đó cũng là cách làm cho ấm cơ thể, rồi dần dần trở thành một thói quen văn hóa. Cũng từ đó, đất nước Mông Cổ đã sản sinh ra những đô vật mà sự xuất hiện của họ tại bất cứ sàn đấu nào cũng đều làm cho đối thủ ngần ngại.
Em bé trên thảo nguyên.
Đàn ông Mông Cổ có sức mạnh kỳ diệu, cũng vì thế nhiều người trở thành lực sĩ cử tạ như một lẽ tự nhiên. Chưa hết, nói đến Mông Cổ là phải nói tới những kỵ sĩ trên lưng ngựa. Xa xưa, vó ngựa người Mông Cổ đã tới nhiều lãnh thổ Á-Âu. Người Mông Cổ cưỡi ngựa giỏi. Ngựa Mông Cổ cao lớn, khỏe mạnh và dẻo dai. Chúng có thể phi với tốc độ cao nửa ngày không cần nghỉ bước. Tới nay, giống ngựa thuần chủng từ Mông Cổ luôn được trả giá cao bậc nhất thế giới.
Cũng từ thói quen phi ngựa trên thảo nguyên mà đất nước Mông Cổ sản sinh ra những cung thủ hàng đầu. Phi ngựa - bắn cung, đi săn bằng chim đại bàng là hình ảnh đẹp của đàn ông Mông Cổ không chỉ trong truyền thuyết mà tồn tại ngay giữa đời thường của hôm nay.
Hệ động vật của Mông Cổ khá phong phú, với khoảng 140 loài động vật có vú, 449 loài chim, 75 loài cá cũng như các loài động vật lưỡng cư và bò sát. Đáng chú ý nhất là nhóm động vật móng guốc phù hợp với đời sống thảo nguyên, trong đó nổi bật là quần thể linh dương; tiếp đó là ngựa, dê, cừu, bò, lạc đà... với tổng đàn lên tới 60 triệu con. Một thống kê cho biết, trong số những loài móng guốc ấy, đàn ngựa của Mông Cổ vào khoảng 2,7 triệu con.
Hình ảnh đẹp của người đàn ông du mục
Mông Cổ không nhiều sắc dân. Người Khalkha chiếm 90% dân số. 10% còn lại gồm Buryat, Durbet và các nhóm khác ở phía bắc và Dariganga ở phía đông. Sau này, một số cộng đồng người Trung Quốc, người Nga cũng nhập cư vào Mông Cổ. Tuy nhiên, họ sống chủ yếu ở vùng biên giới và cũng hay di chuyển.
Thảo nguyên mùa tuyết rơi.
Mông Cổ là đất nước có nhiều lễ hội. Đặc biệt nhất là những lễ hội xuân - hè, trong đó không thể thiếu 3 môn thể thao là bắn cung, đua ngựa và vật. Đây là những môn thể thao dành cho nam giới nhưng được tất cả người dân không kể gái trai, già trẻ nhiệt liệt hưởng ứng. Trong lễ hội, người ta thường tổ chức múa hát.
Tới nay, kể cả những chuyên gia giảng dạy thanh nhạc hàng đầu ở những quốc gia Âu - Mỹ cũng phải thán phục cách “hát giọng cổ”- tức là lấy hơi và phát âm từ cổ của người Mông Cổ. Lối hát ấy mang đậm tính tự nhiên tạo ra sự phóng khoáng, sung mãn vô cùng đặc biệt.
Cuối cùng, nói đến Mông Cổ là phải nói đến kiến trúc nhà ở, còn gọi là kiến trúc lều trại. Do cuộc sống du mục nên người Mông Cổ có cách dựng lều trại cực kỳ đặc biệt. Lều trại của họ thường hình tròn, màu trắng.
Người ta dựng lều trại làm nơi ăn chốn ở rất nhanh, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã xong. Nhưng cách người ta dỡ chúng ra, xếp chúng lại rồi chất lên xe để di chuyển cũng nhanh không kém. Người Mông Cổ gọi căn lều trại của mình là “yurt”. Lối kiến trúc thuận theo tự nhiên và phù hợp với đời sống du mục này đã hình thành nền kiến trúc Mông Cổ hiện đại. Có nghĩa là kiến trúc hiện đại ngày nay không tách dời khỏi kiến trúc truyền thống, mà là sự tiếp nối. Nhiều ngôi nhà có 6 hoặc 12 góc ngay trong lòng đô thị cũng chính là xuất phát từ cách dựng lều trại của cha ông họ thuở xưa...
Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Wikipedia, National Geographic)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.