Na Hang: Tìm hướng phát triển cho miền 'Hạ Long trên cạn'
Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 108 km về phía Bắc, thuộc địa phận hai huyện Na Hang, Lâm Bình, khu du lịch sinh thái Na Hang từ lâu được xem là vùng đất cổ tích giữa trùng điệp rừng xanh, đá núi. Với cảnh quan kỳ vĩ và nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa dồi dào, Na Hang được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn" của vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Tuy nhiên, làm thế nào để miền đất này ngày càng thu hút nhiều hơn sự quan tâm, khám phá của du khách trên mọi vùng miền cả nước đang là câu hỏi lớn.
Kỳ vĩ "Hạ Long trên cạn"
Na Hang được đặt theo tiếng Tày - "Nà Hang", có nghĩa là "ruộng cuối". Tại nơi dòng sông Gâm chảy từ Hà Giang về gặp gỡ dòng sông Năng đổ từ Bắc Kạn tới, hình thành nên một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tại đây, mỗi dòng sông, nhánh suối, mỗi ngọn núi đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết đầy hấp dẫn.
"Khu du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha, trong đó có 8.000ha là diện tích mặt nước. Lọt thỏm giữa những vách đá hùng vĩ, bao vây xung quanh là 99 ngọn núi trùng điệp, lòng hồ Na Hang được ví như "Hạ Long trên núi". Đến đây, du khách sẽ được nghe những sự tích gắn với mỗi địa danh đã đi vào lịch sử như: thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hòn Cọc Vài, vách đá Nàng Tiên - Chú Khách, động Song Long...
Từ nhiều năm trước, các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ đã sớm được xây dựng. Đi du thuyền trên lòng hồ Na Hang trong vòng 6 giờ, với chiều dài khoảng 70km, du khách sẽ được đắm chìm trong mênh mông sông nước, hòa mình cùng trùng điệp của rừng xanh, đá núi. Vãn cảnh hồ Na Hang, du khách có thể ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ), thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát... và khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, với hàng nghìn loại thực vật, động vật quý hiếm. Một trải nghiệm không kém phần thú vị đối với những tín đồ của hang động đó là tìm hiểu hang Phia Vài, hang Thẩm Choóng, nơi chứa đựng nhiều dấu tích của thời sơ kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 7.000 - 8.000 năm.
Nguồn: tổ quốc
Văn hóa bản địa vùng lân cận rất phong phú cũng chính là một trong những lý do khiến nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn. Sau khi tham quan lòng hồ Na Hang, du khách sẽ được hòa mình vào đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây, thưởng thức điệu hát then của dân tộc Tày, hát sli, lượn của đồng bào Nùng và điệu soọng cô của người Sán Dìu... Mỗi mùa trong năm tại đây đều có những lễ hội truyền thống, như: Lễ hội lồng tồng của người Tày, người Nùng; lễ cấp sắc, lễ tơ hồng của người Dao…
Không chỉ níu chân du khách bằng cảnh đẹp và văn hóa dân tộc, địa danh Na Hang và Lâm Bình, nơi sở hữu khu sinh thái kỳ vĩ này còn để lại dư vị khó quên bằng những món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc, với cá suối nướng, da trâu xào măng chua, vịt bầu, xôi ngũ sắc, những loại rau rừng hay những chén rượu ngô men lá… chắc chắn sẽ khiến du khách không thể nào quên.
Tập trung vào trọng điểm
Đối với Na Hang và Lâm Bình, việc kết hợp phát triển du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên thực tế, các tour du lịch lòng hồ Na Hang mới chỉ tập trung khai thác những tài nguyên thiên nhiên có sẵn, những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, tâm linh và một số đặc trưng văn hóa vùng miền. Các sản phẩm du lịch sáng tạo còn đơn lẻ, rải rác, chưa thực sự khéo léo để kéo khách đến và khách trở lại.
Theo TS. Hà Thị Mai, Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tân Trào, tour du lịch lòng hồ Na Hang khi kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng tại các homestay thuộc Lâm Bình sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, để sản phẩm thêm phần đặc sắc, cần nghiên cứu giới thiệu các bài thuốc của bà con dân tộc Dao, Sán Dìu vùng xung quanh lòng hồ vào các tour để du khách vừa trải nghiệm, vừa chữa bệnh. "Việc chữa bệnh theo những bài thuốc đặc hiệu, có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ thu hút nhiều hơn du khách, khiến họ lưu trú lâu hơn. Cùng với truyền thông, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp khám chữa bệnh bằng các bài thuốc cổ truyền sẽ giúp cho Na Hang và Lâm Bình thay đổi cách tiếp cận, cách làm du lịch, từ đó phát triển và khởi sắc".
Nguồn: Báo tuyên quang
Các chuyên gia du lịch phân tích, để Na Hang và Lâm Bình có thể phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng hiện có, hai huyện cần đẩy mạnh phối hợp với các địa phương giáp gianh như: Ba Bể, Pắc Năm (Bắc Kạn); Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang (Hà Giang)... xây dựng các sản phẩm trọng điểm, mang dấu ấn đặc sắc. Đây là cung đường đẹp, giao thông thuận tiện, có thể xây dựng, kết nối tour liên vùng, liên tuyến, làm phong phú thêm cho hành trình du lịch tại địa phương, cũng là tạo sự hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn du khách, như: Tour trải nghiệm lòng hồ thủy điện Na Hang, hồ Ba Bể, Ngọc Minh; khám phá cung đường mùa xuân; khám phá quốc lộ 279… Huyện Lâm Bình cũng đang triển khai hoàn thành các đoạn đường sao cho rút ngắn hành trình sang một số địa danh Bắc Quang, Ngọc Minh (Hà Giang), Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn). Mỗi điểm đến có một hệ sinh thái riêng, có chiến lược phát triển riêng đã là một sức hút mạnh mẽ cho du khách đến, ở lại dài hơn và quay trở lại trong tương lai.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội góp ý kiến, Na Hang và Lâm Bình cũng cần xây dựng thêm các homestay chất lượng, đẳng cấp, ngoài các homestay đã là điểm đến thân thuộc của khách du lịch như Bản Bon, Nặm Đíp, A Phủ, Nà Tông… sao cho khách đến được trực tiếp khám phá văn hóa các dân tộc, từ trang phục, ngôn ngữ, lối sống, ẩm thực… Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, hai địa phương cũng nên gắn kết chặt chẽ du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Vùng đất Na Hang, Lâm Bình có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa, nhưng để phát triển du lịch một cách có hiệu quả, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho biết, về lâu dài, huyện sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch trên các trang thông tin điện tử, làm tăng tính thuyết phục đối với những khách có nhu cầu tìm hiểu và đến với địa phương. Cùng với quảng bá, huyện sẽ tổ chức các sự kiện như Ngày hội du lịch văn hóa Lâm Bình tại Hà Nội, qua đó chuyển trạng thái thu hút khách du lịch từ thụ động sang chủ động, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Dũng Nguyễn (tổng hợp)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.