Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được tu sửa thành nhà kính “xanh” khổng lồ?
Trong số các dự án trùng tu lại Nhà thờ Đức Bà Paris, ý tưởng Palingenesis của công ty Vincent Callebaut Architectures đậm tính hài hòa với thiên nhiên, mang lại diện mạo mới cho một công trình lịch sử được đón nhận nhiệt liệt hơn cả.
Tối ngày 15/4, một đám cháy kinh hoàng xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris khiến phần tòa tháp chuông và 2/3 mái nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Cho đến hiện tại, nỗi xót xa, bàng hoàng của người dân và du khách trên toàn thế giới trước sự sụp đổ của công trình được cho là biểu tượng của châu Âu vẫn chưa nguôi ngoai.
Sau đám cháy thảm khốc, chính phủ Pháp cùng nhiều chuyên gia đã nhanh chóng kêu gọi nhằm đưa ra những kế hoạch khôi phục, trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, trả lại vẻ đẹp cho công trình lịch sử của thủ đô Paris. Hưởng ứng việc này, hàng loạt các kiến trúc sư và nhà thiết kế đã cùng đệ trình kế hoạch trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris lên chính phủ Pháp, trong đó nổi bật nhất phải kể đến dự án Palingenesis.
Dự án tu sửa nhà thờ Đức Bà Paris Palingenesis được đề xuất bởi kiến trúc sư người Hy Lạp Vincent Callebaut
Dự án Palingenesis do công ty kiến trúc Vincent Callebaut Architectures và người đứng đầu là kiến trúc sư Vincent Callebaut (Hy Lạp) đề xuất. Palingenesis (tạm dịch theo tiếng Hy Lạp là “tái sinh”) là thiết kế độc đáo, mang nét hiện đại với kiến trúc nhà kính nhưng vẫn giữ nguyên vẻ vĩ đại của nhà thờ, lại hài hòa với thiên nhiên.
Thay vì phần tháp chuông và mái nhà thờ riêng biệt, thiết kế này nhằm mục đích hợp mái nhà và ngọn tháp theo cách tự nhiên nhất có thể. Vẫn là chóp nhọn nhưng phần đỉnh tháp chuông 850 năm tuổi được thay thế bằng chóp được nối lên từ những khung gỗ sồi nhiều lớp kết hợp với các mảng thủy tinh 3 chiều, nghiêng dần 55 độ cho đến khi thẳng đứng. Tòa tháp đôi cổ kính gần như được giữ nguyên, nét đẹp lịch sử hài hòa cùng nét đẹp của hiện đại.
Phần mái nhà thờ và tháp chuông sẽ được xây tích hợp, theo kế hoạch của công ty kiến trúc này
Palingenesis (Tái sinh) cũng không đơn thuần chỉ là tên của dự án. “Tái sinh” được thể hiện qua cả thiết kế mới mẻ chưa từng có tại một công trình lịch sử nào trên thế giới: ngay trên mái nhà thờ sẽ là một thiết kế vườn sinh học với các loại cây ăn quả, rau xanh trồng dọc theo gian giữa từ Đông sang Tây, kéo dài từ hai tòa tháp đôi đến đỉnh tháp. Còn ở trục Bắc-Nam, khu vườn sẽ trồng cây bằng phương pháp thủy sinh, sử dụng phân bón tự nhiên, được trồng bởi tình nguyện viên và các tổ chức thiện nguyện.
Một nhà kính khổng lồ trên mái của nhà thờ, là nơi trồng rau củ quả sạch và sẽ được bày bán tại phiên chợ mỗi tuần tại sân trước nhà thờ
Vườn cây được thiết kế trên mái sẽ cung cấp một không gian đệm nhiệt giúp tích tụ khí nóng vào mùa đông, lưu thông không khí trong lành vào mùa hè qua sự thoát hơi nước của thực vật. Dự kiến vườn thực vật này cho sản lượng là 21 tấn rau củ quả mỗi năm, một phiên chợ sẽ được bày bán hàng tuần tại sân trước nhà thờ. Ngoài ra, khu vườn sinh học trên mái còn được đưa vào sử dụng như một không gian ngồi thiền hoặc thưởng ngoạn, ngắm cảnh dành cho du khách.
Tuy chưa thể biết rằng, dự án "Tái sinh" này có thành sự thật hay không nhưng ban đầu đã được đón nhận rất nhiệt liệt
Như vậy, dự án này nếu thành hiện thực sẽ biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành một kiến trúc không chỉ mang tính lịch sử, biểu tượng mà còn mang đầy năng lượng tích cực, tiên phong trong mảng kiến trúc sinh thái.
Ngoài ý tưởng trên, một ý tưởng khác từ đại diện của Studio Nab xây dựng lại mái nhà như một nhà kính chứa những tổ ong, là nơi sinh sống của hơn 180.000 con ong mật sống sót sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà cũng nhận được bình chọn cao. Nếu ý tưởng được chọn, khu bảo tồn thụ phấn sẽ được mở cửa, phục vụ như một trung tâm giáo dục cho công chúng.
Ý tưởng biến mái nhà thờ thành nhà kính chứa tổ ong của một nhóm kiến trúc sư khác
Ngọc Quỳnh (Dịch từ CNN)
Theo Báo Du lịch
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.