Nhộn nhịp đằng Tây của miền Tây
Phà Cao Lãnh và cầu Cao Lãnh.
Miền Tây Nam Bộ sông rạch chằng chịt, đường bộ chậm phát triển, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Trong “vùng sâu vùng xa” ấy, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên lại “khuất nẻo” ở mạn phía Tây, dọc theo biên giới. Nhưng với tuyến đường N2, đặc biệt là nhờ 2 cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống (bắc qua sông Tiền và sông Hậu) sắp thông xe, “đằng Tây của miền Tây” đã trở nên gần, nhộn nhịp hơn lên.
Đi Tây Ninh để về… miền Tây
Anh Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công thương Long An – trong những lúc trà dư tửu hậu hay hát trại lời bài “Thương về miền Trung”, trong đó có đoạn: “Người ơi, nếu về miền Tây đi xe miền Tây; Chớ về miền Tây đi xe miền Đông, không về được đâu!”.
Tôi thì không cho như vậy, và tôi đã về miền Tây bằng cách đi ngược về miền Đông. Không chỉ “về được”, mà bằng cách ấy tôi rút ngắn đoạn đường khoảng 70 cây số, đi nhanh hơn khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, tôi ra đường Trường Chinh rồi theo quốc lộ 22 trực chỉ hướng Tây Ninh (một tỉnh miền Đông Nam Bộ). Đến cầu vượt Củ Chi, xe tôi rẽ trái vào tỉnh lộ 8, đi tiếp chừng 10 cây số là vào tuyến N2 thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đường Hồ Chí Minh chạy từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau khi đi vào vùng Tây Nam Bộ có tên là tuyến N2 chạy xuyên qua vùng ĐTM. Vượt cầu Đức Hòa qua sông Vàm Cỏ Đông, tuyến N2 đi giữa một bên là những vạt rừng tràm, một bên là những cánh đồng xanh mượt lúa đang thì con gái.
ĐTM từng là “cánh đồng hoang” với bạt ngàn rừng tràm; từ thập niên 80 của thế kỷ trước, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp đã “tiến công khai phá ĐTM”, biến nó thành vựa lúa của cả nước. Nhờ có tuyến N2 được đưa vào sử dụng cách đây hơn 5 năm, vùng đất hoang vu hai bên đường giờ đã khoác lên tấm áo mới, nhiều cơ sở sản xuất, nhà xưởng, nhà tường khang trang đã mọc lên.
Vào địa phận huyện Thạnh Hóa (Long An), tuyến N2 nhập vào quốc lộ 62 một đoạn khoảng mười cây số. Từ khi tuyến N2 thông xe, ngày càng nhiều xe cộ từ Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ đã chọn cách đi trên tuyến đường này để về TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, làm cho nó ngày thêm nhộn nhịp.
Anh Lê Minh Đức cho biết, những người nông dân trồng khoai mỡ, trồng thơm, những người đi săn chuột, lấy mật ong rừng tràm… giờ đã có thêm một kênh tiêu thụ từ những chiếc xe chạy ngang. Còn khách phương xa cũng có cơ hội mua những sản vật vùng ĐTM về làm quà cho người thân.
Ngành công thương tỉnh Long An đã có kế hoạch khai thác tuyến N2, đẩy mạnh giao thương, giúp phát triển kinh tế dọc hai bên 60km tuyến N2 chạy qua tỉnh. Tách khỏi quốc lộ 62, tuyến đường đi vào vùng trũng nhất ĐTM, độ cao của mặt đường so với chân ruộng lên đến năm sáu mét.
Ngày trước, vào mùa lũ, nước lũ có thể dâng cao hơn bốn mét, nên con đường cũng phải làm cao tương ứng. Bây giờ thì độ cao ấy có vẻ như không cần thiết vì vùng ĐTM chỉ còn “lũ đẹt”, “lũ kiệt”. Vùng tiếp giáp hai tỉnh Long An và Tiền Giang vẫn còn hoang vắng, suốt đoạn đường cả chục cây số mà chỉ lác đác vài nhà dân, hai bên là đồng lúa mênh mông, xen lẫn những đầm sen, vạt rừng tràm…
Xe tôi đi qua thị trấn Mỹ An sầm uất (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), với đà xây dựng và phát triển này thì chẳng bao lâu nữa Mỹ An sẽ trở thành đô thị loại III, thành thị xã. Mất thêm khoảng 30 phút để đi từ Mỹ An về TP.Cao Lãnh. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) là thành phố mới, được quy hoạch khoa học ngay từ đầu, nên khá thông thoáng, không gian hợp lý, đẹp mắt, chứ không bề bộn như nhiều thành phố xây dựng chắp vá khác.
Con đường đẹp nhất nước
Đã từng đi đó đây trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tôi chưa thấy con đường nào đẹp bằng đoạn đường nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống. Dự án cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nối TP.Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) khởi công cuối năm 2013. Dự án có tổng chiều dài 7,8km, trong đó cầu dài 2,1km, còn lại là đường dẫn vào cầu, với tổng vốn đầu tư 6.493 tỉ đồng. Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Tiền, sau cầu Mỹ Thuận (trên quốc lộ 1), nhưng rộng thoáng và hiện đại hơn cầu Mỹ Thuận.
Cầu Cao Lãnh chưa thông xe, nhưng tôi cũng được phép đi bộ lên cầu để nhìn dòng sông Tiền lặng lờ chảy trong mùa nước kiệt. Dưới chân cầu, bên bờ sông là bạt ngàn cây trái, đồng lúa… Cầu chưa thông xe, tôi phải qua sông bằng phà. Ngồi trên phà Cao Lãnh, nhìn về phía hạ lưu, thấy công trình cầu Cao Lãnh đang rõ hình hài, tôi chợt thấy bồi hồi khi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng trong đời tôi qua sông Tiền bằng phà.
Dự án xây dựng tuyến nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống có tổng chiều dài gần 16km, tổng mức đầu tư 5.620 tỉ đồng. Tôi tin chắc rằng, mai đây khi đoạn đường này cùng với cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống thông xe, khách đi đường sẽ phải xuýt xoa trước sự tương phản thú vị: Con đường hiện đại bậc nhất đi giữa vùng đất còn hoang sơ với đồng lúa trải dài mút mắt, xen lẫn những đầm sen, ruộng bắp, hoa màu…
Suốt đoạn đường mười mấy cây số mà không có một nhà dân nào ở hai bên đường. Không biết mặt đường được thi công theo công nghệ hiện đại gì mà xe tôi chạy với tốc độ 80km/giờ mà êm ru như… không chạy!
Từ xa, hai trụ dây văng của cầu Vàm Cống hiện lên trên nền trời xanh. Bờ bắc của cầu Vàm Cống thuộc huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp, còn bờ nam là nơi tiếp giáp giữa huyện Thốt Nốt của TP.Cần Thơ và TP.Long Xuyên của tỉnh An Giang. Dự án có tổng chiều dài 6,9km (trong đó cầu Vàm Cống dài 2,9km, còn lại là đường dẫn vào cầu), có tổng mức đầu tư là 7.342 tỉ đồng.
Cũng giống như cầu Cao Lãnh, dự án cầu Vàm Cống lùi thời gian thông xe dịp Tết Mậu Tuất lại ít tháng cho mọi thứ hoàn thiện hơn. Ngồi trên phà Vàm Cống, nhìn những bè cá thả dài theo sông, rồi những nhà máy chế biến cá đồ sộ nằm hai bên bờ sông, tôi biết rằng mình đang đi vào “thủ phủ” của con cá tra. Khi hai cây cầu lớn này thông xe, cùng với tuyến đường N2 thuận tiện, con cá tra miền Tây sẽ rộng thêm đường bơi đến cả nước và đi khắp thế giới.
Chuyện “thằng Tâm, con Hồng”
Người miền Tây nào cũng biết bài ca cổ nổi tiếng “Chợ Mới” của soạn giả Trọng Nguyễn. Trong bài ca, thằng Tâm đi bộ đội, tiễn quân ở TP.Long Xuyên, còn Hồng từ Chợ Mới đi qua phà Vàm Cống để tiễn biệt người yêu. Nhưng gặp lúc phà đông khách, con Hồng phải mất cả tiếng đồng hồ để qua phà, khi đến Long Xuyên thì thằng Tâm đã lên đường.
Con Hồng trở về, suốt 6 năm dài đằng đẵng (thời gian thằng Tâm đi bộ đội) hai người không một lần gặp nhau, dù khoảng cách giữa Chợ Mới với TP.Rạch Giá nơi thằng Tâm đi bộ đội không quá xa. Nhưng ngày ấy, vào thập niên 1980, việc “qua sông lụy phà” cùng với đoạn đường 60 cây số đi qua vùng Tứ giác Long Xuyên (từ phà Vàm Cống tới TP.Rạch Giá) rất khó đi, đã làm cho thằng Tâm và con Hồng chỉ biết nhớ nhung, chờ đợi, chứ không đến thăm được nhau.
Nếu chuyện tình ấy diễn ra vào giữa năm 2018, con Hồng chỉ mất chừng 2 giờ để phóng một mạch bằng xe tay ga từ Chợ Mới qua cầu Vàm Cống, theo quốc lộ 80 đã nâng cấp, mở rộng thênh thang, đến Rạch Giá để thăm người yêu. Có khi mỗi tuần họ đến thăm nhau một lần cũng nên, vì chuyện đi lại đã quá thuận tiện. Giống như vùng ĐTM, Tứ giác Long Xuyên (gồm một phần tỉnh An Giang, TP.Cần Thơ và phần lớn tỉnh Kiên Giang) cũng đang được đánh thức nhờ tuyến N2 và 2 cây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống.
Đến TP.Rạch Giá, ghé thăm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, đồng chí bí thư hào hứng giới thiệu về những công trình lớn của tỉnh như phát triển đảo Phú Quốc, dự án “lấn biển” ở TP.Rạch Giá. Nếu như dự án “lấn biển” lần đầu cách đây gần 20 năm được người dân đón nhận một cách dè dặt, thì công trình “lấn biển” lần này được đón nhận nồng nhiệt, không chỉ từ người dân tỉnh Kiên Giang, mà cả người từ TP.HCM về, khi mà khoảng cách giữa TP.HCM và thành phố bên biển Tây này đã trở nên quá gần gũi với tuyến N2 và 2 cây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống.
Cách đây hơn 10 năm, tôi phải đi từ Rạch Giá đến Cà Mau bằng cách ngược về Lộ Tẻ, qua Cần Thơ, rồi theo quốc lộ 1 qua Sóc Trăng, Bạc Liêu để về Cà Mau, quãng đường dài hơn 300 cây số, mất gần 7 giờ chạy xe. Từ khi quốc lộ 63 thông xe, rồi cầu Tắc Cậu được bắc thay phà, thời gian đi từ Rạch Giá đến Cà Mau chỉ còn một nửa, chỉ hơn 3 giờ.
Bây giờ lại có thêm đường Xuyên Á mới thông xe, chạy cặp theo bờ biển Tây, ngang vườn quốc gia U Minh Thượng, nhờ vậy tôi đi từ Rạch Giá đến Cà Mau chỉ mất hơn 2 giờ. Tôi bây giờ có cảm giác Cà Mau không còn “xa lắm”...
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.