Những điểm đi chùa du xuân xin lộc đầu năm Mậu Tuất 2018
Đầu năm đi chùa du xuân xin lộc đã trở thành truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, bạn đã biết những đền chùa nào nổi tiếng linh thiêng nhất khắp đất nước hay chưa?
Dưới đây là những điểm đi chùa du xuân xin lộc đầu năm Mậu Tuất 2018 trên khắp đất nước.
1. Đền Sái – Đông Anh, Hà Nội
Du lịch Hà Nội du xuân Đền Sái nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn ở Đông Anh, nơi lưu giữ được bản gốc tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngoài những truyền thuyết linh thiêng về đền Sái, thì nét văn hóa độc đáo ở đây, đó là xóc quẻ thẻ.
Chẳng biết từ bao giờ, người ta truyền miệng nhau rằng, xóc quẻ thẻ ở Đền Sái linh thiêng lắm. Hình thức xóc quẻ thẻ ở đây cũng rất quy mô, trước hết, người muốn xóc quẻ thẻ phải đến một gian nhà riêng biệt để mua vé vào với giá 3.000 đồng, sau đó mới vào đại điện xóc thẻ theo phong tục đi lễ chùa đầu năm của người địa phương
2. Chùa Trấn Quốc – Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa được xây từ thời Lý Nam Đế (541-547), được vinh danh là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đi chùa vào ngày Tết, bạn sẽ được tham quan vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn.
3. Chùa Hương – Mỹ Đức, Hà Nội
Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 60 km, nằm ven bờ phải sông Đáy, dân gian gọi là chùa Hương, nhưng trên thực tế đây là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, với hàng chục chùa thờ Phật, còn có đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp.
Theo cẩm nang du lịch Hà Nội, trung tâm của cụm đền chùa này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích, hay còn gọi là chùa Trong. Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam. Ngoài ra, ở đây có nhiều chùa, động nổi tiếng như: chùa Thiên Trù, Tiên Sơn, Thanh Sơn, động Hương Tích, động Long Vân, động Đại Binh …
4. Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh
Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh cách Hà Nội 25 km, nổi tiếng là đền thiêng nhất ở Việt Nam về cầu làm ăn buôn bán, được dân gian truyền gọi là “Ngân hàng địa phủ”. Do đó, nếu bạn đang băn khoănlàm ăn nên đi chùa nào đầu năm thì có thể đến Đền Bà Chúa Kho. Nhiều người bảo đền linh thiêng lắm, cầu xin ắt được như ý. Quanh năm đền đông khách vào ra thắp hương xin lộc, thành tâm cúng bái, nhất là những ngày đầu năm.
5. Chùa Keo, Thái Bình
Tọa lạc tại thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình, chùa có tên chữ là Trần Quang Tự, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.
Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật và đồ thờ quý giá như Đại hồng chung đúc từ đời Lê, đôi lọ sứ Bát Tràng, bàn hương án... Đặc biệt, Gác chuông của chùa - một kỳ công về mặt nghệ thuật kiến trúc. Gác gồm 3 tầng, cao 11,50m, mỗi tầng treo một quả đại hồng chung. Gác chuông trong như đoá sen mới nở vươn lên bên thân cau cao vút.
6. Quần thể chùa Bái Đính, Ninh Bình
Quần thể chùa Bái Đính bao gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa thung lũng vây quanh là mênh mông hồ xanh biếc và núi đá sừng sững, ở cửa ngõ vào cố đô Hoa Lư từ phía Tây. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, độ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Chính vì vậy, nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng đón các tour du lịch Ninh Bình du xuân, xin lộc đầu năm.
7. Chùa Yên Tử, Quảng Ninh
Chùa Yên Tử, nằm trên một ngọn núi thuộc dãy cánh cung Đông Triều thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đỉnh Yên Tử cũng trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, tu hành và lập ra giáo phái Phật giáo mang tên Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Đường lên đến Chùa Yên Tử khá cheo leo hiểm trở và khó đi, ngày xưa, khách du lịch Yên Tử phải mất 5-6 tiếng đồng hồ để lên được tới nơi. Những năm gần đây, với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những cây tùng, cây đại hàng trăm năm tuổi xen kẽ trong rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong lành.
8. Chùa Dâu, Bắc Ninh
Nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km, chùa Dâu được xem là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Đây là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc xưa nay và là một di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
9. Chùa Thiên Mụ, Huế
Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của Huế. Vì vậy, du lịch Huế đầu năm mà không lễ Phật chùa Thiên Mụ nguy nga, đồ sộ được xây dựng trên đồi Hà Khê thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây, thì quả là điều đáng tiếc.
10. Chùa Quan Âm, Đà Nẵng
Động Quan Âm là động lớn được tìm ra vào năm 1956. Đường xuống động nằm cạnh chùa. Động có chiều dài khoảng 50m, rộng 10m, trần động có vô số thạch nhũ đầy màu sắc và hình dáng, nổi bật là pho tượng Quán Thế Âm cao 1,75m, một bức phù điêu thiên tạo kỳ diệu.
Theo kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng của nhiều du khách, ở động Quan Âm còn có “chuông đá lớn” được gọi là Thạch Chung thiên cổ, đó là tiếng chuông được phát ra từ một thạch nhũ to tròn như cây cột, cao 5m; và những âm thanh như tiếng trống, tiếng mõ, tiếng khánh... phát ra từ các thạch nhũ khác.
11. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Cùng với Trúc Lâm Yên Tử Quảng Ninh, Trúc Lâm Tây Thiên Vĩnh Phúc, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong ba thiền viện lớn nhất đất nước theo phái Trúc Lâm. Cách trung tâm thành phố 5 km, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt nằm trên núi Phụng Hoàng, giữa ngàn thông xanh ngắt, bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Nhờ vị trí đẹp mắt, đây không chỉ là nơi chiêm bái mà còn là điểm tham quan nổi bật của nhiều tour du lịch Đà Lạt dịp đầu năm.
12. Núi Bà Đen, Tây Ninh
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất ở Nam Bộ thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, cách TP.HCM 110km về phía Đông Bắc.
Quần thể di tích Núi Bà Đen do 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng một vùng núi non hùng vĩ, thu vào tầm mắt một góc của tỉnh Tây Ninh yên bình, du khách còn có dịp chiêm bái hệ thống chùa Điện Bàgồm các chùa Hạ, Trung, Thượng và chùa Hang uy nghi lộng lẫy; khám phá vẻ đẹp cùng vẻ thần bí của động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà...
13. Miếu bà chúa xứ châu Đốc, An Giang
Tour du lịch miền Tây đầu năm sẽ đưa du khách đến tham Đền Bà Chúa Xứ - nhân vật truyền thuyết được thờ tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Hàng năm, di tích này thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch đến từ mọi miền đất nước, tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng.
Với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ núi Sam có công đức giúp bà con sống an bình. Vì thế, hàng trăm năm nay người An Giang đã lập miếu Bà Chúa Xứ, thờ tự Bà như thần, rất đông khách hành hương về cúng bái, cầu may, xin phúc, vay tiền làm ăn.
14. Chùa đại Tòng Lâm, Bà Rịa – Vũng Tàu
Chùa Đại Tòng Lâm có tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự, nằm trên địa phận ấp Quảng Phú, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Là một ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô và hiện đại, nắm trong tay nhiều kỷ lục Việt Nam như ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam, tượng Phật nhiều nhất Việt Nam, pho tượng Phật Di-lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam...
15. Chùa Ngọc Hoàng, TP. HCM
Nằm 73 Mai thị Lựu, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh ngôi chùa Phước Hải Tự hay còn gọi chùa Ngọc Hoàng từ lâu là địa chỉ đỏ của những người hiếm muộn đến xin con. Từ lâu trong dân gian đã truyền miệng, hễ 10 người đến cầu hết 8 người có con. Do đó ngày thường lẫn ngày Tết, chùa lúc nào cũng tấp nập người dân và khách du lịch Sài Gòn đến viếng.
Theo Báo Du Lịch
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.