Những điểm du lịch tâm linh nức tiếng ở Đà Nẵng
Nhiều ngôi chùa ở Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách bởi cảnh quan, kiến trúc đẹp nức tiếng có thể kể đến như: chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà, chùa Tam Thai, chùa Nam Sơn, chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn.
Du khách viếng chùa vừa để nguyện cầu bình an, vừa vãn cảnh tìm những phút giây thư thái trong chốn tâm linh.
Chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà
Cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía đông bắc, chùa Linh Ứng tọa lạc ở Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà là một trong những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Đà Nẵng. Theo tuyến đường ven biển dẫn lên chùa là một trong những cung đường đẹp nhất của Đà Thành. Từ bãi biển trung tâm thành phố nhìn về phía bán đảo Sơn Trà có thể nhìn thấy tượng Phật Quán Thế Âm được cho là cao nhất Việt Nam (67m).
Chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà
Về địa danh Bãi Bụt – nơi chùa Linh Ứng Tọa lạc, tương truyền vào thời vua Minh Mạng, dân chài nơi đây phát hiện một tượng Phật trên bãi cát bèn lập am thờ tự, Ngài Quán Thế Âm phù hộ cho trời yên biển lặng, dân làng yên ổn làm ăn nên từ đó, làng chài có tên là Bãi Bụt.
Chùa được khởi công xây dựng từ năm 2004 và khánh thành vào năm 2010
Tượng Phật Quán Thế Âm ở chùa được cho là tượng Phật Quán Thế Âm cao nhất Việt Nam
Chùa tựa lưng vào núi, phóng tầm mắt nhìn ra xa là biển xanh như ngọc, và những bãi biển đẹp, cát trắng mịn nối nhau theo đường vòng cung dưới chân núi. Trong chốn tâm linh yên tịnh, nhìn ra cảnh đẹp sơn thủy hữu tình như chốn bồng lai, tìm thấy những phút giây thư thái giữa dòng đời ngược xuôi khi dừng chân nơi đây.
Chùa Linh Ứng Non Nước
Ở Đà Nẵng còn có một ngôi chùa Linh Ứng lâu đời hơn với tên thường gọi là chùa Linh Ứng Non Nước hay chùa Ngoài. Chùa nằm ở hòn Thủy Sơn trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Chùa Linh Ứng Non Nước
Tượng Phật tọa ở chùa
Ngôi chùa được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia là một trong những ngôi chùa cổ, có giá trị lịch sử. Vào đời Gia Long, chùa được xây và đặt tên Ứng Chân. Năm Minh Mạng thứ 6, chùa được xây dựng thêm. Đến năm 1841, vua Thành Thái cho đổi tên là chùa Linh Ứng.
Năm 1977, chùa xây dựng một tháp Xá Lợi cao 30m, gồm 7 tầng. Bên trong tháp có tôn thờ gần 200 tượng Phật, Bồ Tát, La Hán. Riêng tầng 7 thờ Xá lợi Phật và 7 vị Phật truyền đăng. Đây là tháp xá lợi thờ nhiều pho tượng bằng đá nhất Việt Nam.
Tháp Xá Lợi 7 tầng, cao 30m được xây dựng từ năm 1977
Dù đã được trùng tu nhiều lần, chùa Linh Ứng Non Nước vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.
Chùa Tam Thai
Cũng tọa lạc ở hòn Thủy Sơn trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Tam Thai, còn có tên gọi là chùa Trong, là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất ở Đà Nẵng với hơn 400 năm tuổi.
Chùa Tam Thai
Với kiến trúc đình chùa đặc trưng thời nhà Nguyễn, Chùa Tam Thai có 3 tầng: Tầng thứ nhất ở về phía Bắc gọi là Thượng Thai. Tầng thứ hai ở về phía Nam gọi là Trung Thai. Tầng thứ ba ở về phía Đông gọi là Hạ Thai. Tổng thể chùa được xây dựng theo hình chữ “Vương” (Hán tự) với nhiều đường nét mang tính thẩm mỹ cao. Phía bắc sân chùa trước kia là hành cung có tên Đông Thiên Phước, nơi vua ngồi nghỉ mỗi khi viếng cảnh chùa.
Cảnh quan Ngũ Hành Sơn nhìn từ Vọng Giang Đài ở gần chùa Tam Thai
Ngay cạnh chùa Tam Thai là Vọng Giang Đài. Từ đây, du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn với núi non xung quanh, làng đá Non Nước dưới chân núi, nhìn ra xa nữa là đồng ruộng xanh ngát, sông ngòi uốn lượn, cảnh đẹp hùng vĩ mà bình yên.
Chùa Nam Sơn
Tọa lạc ở thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, nên chùa Nam Sơn còn có tên thường gọi trước đây là chùa Cẩm Nam. Chùa được thành lập từ năm 1962 do các đạo hữu chung lòng xây dựng.
Chùa Nam Sơn
Chùa Nam Sơn được thiết kế theo lối kiến trúc thường thấy của các ngôi chùa cổ ở miền Trung. Toàn bộ kiến trúc chùa hiện nay do trụ trì – Đại Đức Thích Huệ Phong thiết kế. Chùa có các khu vực Chánh Điện, Thiền Viện, ao Phóng Sanh…
Chùa Nam Sơn mang dáng dấp những ngôi chùa cổ miền Trung
Ấn tượng nhất là những cầu nối dẫn lối vãn cảnh chùa như cầu Đồng Tử, cầu Tam Tạng, bên dưới là hồ nước xanh mang lại cảm giác thư thái khi chậm bước giữa chốn tâm linh, và đọc nhưng lời khuyên dạy của Đức Phật về lối sống hay, sống đẹp.
Tâm An
Theo DanTri.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.