Những phiên chợ “âm phủ” đặc biệt nhất Việt Nam
Do đặc thù của từng vùng miền, nhiều phiên chợ độc đáo cũng được hình thành, thể hiện nét văn hóa của người bản địa. Trong đó, không thể không kể đến những phiên “chợ âm phủ” chỉ họp về đêm.
Chợ Viềng (Nam Định)
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu năm, người dân khắp nơi trong cả nước lại nô nức rủ nhau về thăm chợ Viềng (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Phiên chợ Viềng chỉ tổ chức duy nhất một lần trong năm, kéo dài từ đêm mùng 7 tới sáng sớm ngày mùng 8 Tết. Trước đây, chợ Viềng chỉ bán nông cụ, đặc biệt nổi tiếng với dao, rìu, lưỡi cày…, nhưng nay sản phẩm bày bán đã đa dạng hơn.
Chợ Viềng là khu chợ xuân nổi tiếng nhất nhì miền Bắc.
Khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng mang đậm ý nghĩa tâm linh. Hầu hết những người đến đây đều đinh ninh một ý niệm: mua may, bán rủi để năm mới đầy ắp bình an và may mắn. Thế nên, dù là kẻ mua hay người bán đều không đặt nặng vấn đề lời lãi. Người bán chẳng nói thách cao, người mua cũng không mặc cả nhiều để tránh xui xẻo hay làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ.
Phiên chợ lúc nào cũng tấp nập người. (Ảnh: vietnamnet)
Nếu đã đến chợ Viềng, nhất thiết du khách nên mua một cái gì đó mang về, có thể là một cây cảnh nhỏ, đồng xu cổ hoặc những món đồ trang trí. Cũng có một số người lại quan niệm rằng khi đi chợ Viềng, khách có thể dạo chơi cả buổi chiều mùng 7, nhưng sau lúc 0h ngày mùng 8 thì hãy mua bởi đó mới là thời điểm để bán rủi, mua may.
Chợ đêm Đà Lạt
Nếu đến thăm Đà Lạt, du khách sẽ có cơ hội được ghé chợ Âm phủ nằm ngay trung tâm thành phố. Tuy có cái tên đáng sợ, nhưng thật ra đây là nơi có không khí náo nhiệt, tấp nập, mặt hàng đa dạng, phong phú, giá bán lại rất rẻ.
Tên chợ được đặt như vậy do trước đây, khi chưa có đèn đường, chợ họp gần như trong bóng tối, chỉ có ánh đèn leo lét từ các gian hàng thắp đèn dầu. Người bán, người mua đều lần mò từng món hàng, đi lại hết sức khó khăn. Đến ngày nay, chợ Âm phủ đã trở thành địa điểm du lịch được nhiều du khách ghé thăm.
Chợ Đêm Đà Lạt là một trong những địa danh không thể bỏ qua. (Ảnh: dalatpro)
Chợ Âm phủ họp cả đêm và bày bán những mặt hàng đặc trưng của miền đất này như đồ len (quần áo len, các con thú ôm làm bằng len, khăn mũ móc bằng tay…). Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi nhâm nhi những món ăn ấm nóng như khoai lang nướng, ngô nướng, thịt quay, sữa đậu nành nóng… ngay tại chợ trong không khí se lạnh của đêm Đà Lạt. Chợ họp từ 7 – 8h tối hôm trước, các hoạt động kéo dài tới 3 – 4h sáng hôm sau mới vãn.
Chợ chiếu Định Yên (Đồng Tháp)
Chợ chiếu nằm ở xã Ðịnh Yên, huyện Lấp Vò, Ðồng Tháp. Chợ không họp ban ngày, chỉ họp vào 2 tiếng ban đêm nhưng giờ giấc không cố định, đêm sau thường sớm hơn đêm trước một giờ và cứ thế xoay vòng. Càng về khuya, chợ càng nhộn nhịp đông vui.
Điểm đặc biệt ở đây, người bán hàng chỉ thắp lên ngọn đèn dầu leo lét, còn người mua phải dùng đèn pin để chọn hàng. Chợ chiếu Định Yên cũng không hề có quầy, sạp kinh doanh. Người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ, còn người bán thì vác những sản phẩm chiếu trên vai đi tới, đi lui rao hàng, nói giá… tất cả các hoạt động quây quần trước sân chùa An Phước.
Chợ chiếu nhộn nhịp về đêm. (Ảnh: vanhoamientay)
Đến Định Yên hôm nay, chúng ta sẽ không còn thấy không khí nhộn nhịp của phiên chợ độc đáo ngày nào, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhưng người dân Định Yên vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu và đã khiến nơi đây trở thành làng nghề truyền thống có hơn trăm năm tồn tại và phát triển.
Chợ nón Gò Găng
Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 26km, huyện An Nhơn và huyện Phù Cát là nơi tập trung nhiều làng nón truyền thống của tỉnh Bình Định như: Bình Đức, Châu Thành, Kiều Đông, Kiều Nguyên, Phú Gia… Người dân nơi đây làm nón lá từ sáng sớm cho đến tối mịt. Khi trời rạng sáng, tất cả thành quả của một ngày lao động sẽ được mang đến chợ nón Gò Găng.
Chiếc nón được gìn giữ trong phiên chợ từ bao đời nay. (Ảnh: danviet)
Chợ nón Gò Găng chỉ họp từ khoảng tầm 3h, 4h sáng, đúng lúc gà gáy nên còn có tên là “Chợ Gà Gáy”. Không sạp, không mái, chỉ có vài chiếc ghế đẩu, vài ngọn đèn dầu, vậy cũng đủ thành chợ. Người mua, người bán ở phiên chợ này có kỳ kèo thêm bớt, nhưng tuyệt nhiên không xô bồ, nhộn nhịp như những phiên chợ khác.
Khi bình minh ló dạng cũng là lúc chợ tan. Từ đây, những chồng nón được đóng gói cẩn thận để chuyển đi đến mọi miền đất nước.
“Chợ cá ma” Tha La
Nằm giữa ranh giới Tịnh Biên – Châu Đốc (tỉnh An Giang), gần 30 năm qua, “chợ âm phủ” Tha La luôn được họp từ lúc 2 giờ – 5 giờ sáng.
Chợ được họp ngay trên bến thuyền kênh Tha La. (Ảnh: nld)
Chợ “âm phủ” vốn hình thành từ lâu, do dân nghèo nhóm họp tự phát. Ban đầu chỉ vài người bày bán mớ rau, con cá. Dần dà, thấy buôn bán được, chợ họp ngày càng đông. Nơi đây, mọi ngườ bày bán toàn sản vật đồng mùa lũ như cá, tôm, cua, ốc, lươn, rắn, bông súng… Chợ nhộn nhịp nhất cũng vào mỗi mùa lũ.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp
Theo DanTri.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.