Nơi cuối trời Tây Bắc
Xuôi chăn nưa, ai về mường lay, ai ngược phong thổ, còn chúng tôi ngẩn ngơ nơi cầu hang tôm để rồi dấn thân vào Mường Tè – huyện xa xôi và nghèo nhất của tỉnh Lai Châu.
Trong ký ức của những người đã lên Lai Châu cũ ngày xưa (bao gồm cả tỉnh Điện Biên) và Lai Châu mới ngày nay chắc hẳn không thể quên được mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc với con người và bao địa danh ẩn hiện nơi biên cương. Ai qua Than Uyên mùa thu, nhọc nhằn vượt Ô Quy Hồ, ngược dốc Phong Thổ tới Mường Tè lên Ka Lăng, Thu Lũm, ai tới Sìn Hồ, về Mường Lay tắm mát nơi dòng Đà giang chắc sẽ hiểu cái tình mà mảnh đất ấy mang lại. Không nổi tiếng như Sapa, Mộc Châu, Hà Giang đón hàng ngàn khách du lịch mỗi năm. Lai Châu mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn của miền sơn cước cuối trời, nơi những dãy núi cao chót vót với điệu múa của đồng bào người Hmong, người Mảng, người Si La…
Chúng tôi đi ngược lại dòng người đang hối hả vào nội đô, tạm biệt những khói bụi ồn ào của phố thị để theo QL32 lên Thanh Sơn, Thu Cúc rồi Tú Lệ, ghé qua Mù Cang Chải giữa mùa thu, nơi màu vàng của lúa trải dài trên những sườn đồi mang lại no ấm cho đồng bào. Không có những triền núi đầy ruộng như xứ Mù, thung lũng Mường Than vốn được xem là một trong bốn cánh đồng lớn nhất xứ Tây Bắc trong câu nói “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” hút hồn người lữ khách bằng vẻ mênh mang của nắng và gió. Ai đi qua đó vào mùa thu rồi thì sẽ hiểu vì sao tôi nói như vậy. Nắng chiều vàng nhuộm hết cả con đường và những mảnh ruộng nhỏ bé xung quanh. Nắng không gắt mà dịu nhẹ, không trắng mà lại vàng, vàng rộm như mật ong. Hãy cứ đứng bên một hồ nước nhỏ cạnh đường ở đoạn giáp ranh giữa Than Uyên và Tân Uyên bạn sẽ biết mùa thu miền núi là như thế nào.
Một hồ nước không quá rộng nhưng cũng đủ để làm người qua đường “đã cơn khát”. Cảnh thanh bình hiện rõ lên từng nhành cây, ngọn cỏ nơi đây. Ở giữa hồ là từng cụm nhỏ non bộ nhô lên, dăm ba đứa trẻ chăn trâu đang đùa nghịch giữa làn nước trong vắt. Mặt bên kia là cả triền đồi đầy cỏ cùng đàn trâu đang nhởn nhơ. Cảnh tượng dường như chỉ thấy ở những thảo nguyên của nước ngoài giờ xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi. Ai cũng ngỡ ngàng và lặng lại, chỉ biết ngắm nhìn và thốt lên: “yên bình quá”.
Những vòng quay lại đưa chúng tôi tiếp tục trải nghiệm nắng chiều của xứ Lai Châu, đất Tân Uyên với đồi chè thơm ngọt tiễn cả đoàn để lên Bình Lư. Rồi từ đó, nếu rẽ phải là chặng đường đèo ngược lên dốc Ô Quy Hồ với độ cao trên 2.000m trải dài hơn 40km nối sang tận Sa Pa, còn rẽ trái sẽ tới Tam Đường và thủ phủ của tỉnh Lai Châu là thành phố cùng tên. Mảnh đất Sìn Hồ chào đón những lữ khách phương xa bằng làn sương mỏng trong lành, ẩn hiện những mái nhà của đồng bào, đèo Làng Mô, Phăng Xô Lin dần in hằn vệt bánh xe.
Bạn có biết, ngói để lợp trên Nhà hát lớn Hà Nội được lấy từ đâu không? Từ chính mỏ đá sét Hồng Thu của huyện Sìn Hồ đấy. Xuôi Chăn Nưa, ai về Mường Lay, ai ngược Phong Thổ, còn chúng tôi ngẩn ngơ nơi cầu Hang Tôm để rồi dấn thân vào Mường Tè – huyện xa xôi và nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Con đường vào trung tâm huyện chạy dọc dòng Đà giang vốn chẳng dễ dàng gì nhưng bù lại nét bình yên của một miền núi sông hiện rõ trên từng nếp nhà của người Thái. Cứ thế, chúng tôi men theo dòng nước để tìm về nơi cội nguồn dòng sông.
Pắc Ma là ngã ba đường để vào Kẻng Mỏ hoặc lên Ka Lăng, Thu Lũm. Kẻng Mỏ là nơi có cột mốc biên giới số 17 – đánh dấu điểm đầu tiên của dòng sông Đà trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đây, dòng nước len lỏi qua từng khe núi đá vôi, để hợp lưu với sông Hồng ở Phú Thọ, tổng chiều dài của dòng sông đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam trải dài hơn 500km mang bao phù sa, nguồn sống cho hàng triệu đồng bào các dân tộc dọc hai bên. Nơi khởi nguồn của dòng sông là đó, còn nơi tận cùng của Mường Tè là Thu Lũm với Hòn đá thiêng của người Hà Nhì. Hòn đá trắng bằng thạch anh tự nhiên trên ngọn núi đất nhỏ được người Hà Nhì xem là vật linh thiêng và thờ cúng hàng năm. Điều đặc biệt là hòn đá này cũng là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Từ đây, nếu muốn đi dọc biên giới, người lữ khách có thể men theo đường tuần tra biên giới sang tới tận A Pa Chải hoặc đơn giản hơn là qua cầu Pắc Ma để tới Mù Cả, Chung Chải, Sín Thầu chinh phục cột mốc số 0 – ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoang La San thuộc tỉnh Điện Biên. Và nếu bạn là người ưa khám phá hang động, thác thì mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc cũng có rất nhiều địa danh như động Pu Sam Cáp, thác Tả Tình, suối nước nóng Vàng Bó, động Tiên Sơn…
Phần vì xa xôi cách trở, phần nằm nơi cuối trời đất nước nên những ai đã in dấu chân nơi mảnh đất này đều chẳng thể nào quên được cái nắng mênh mang trong gió của đất Than Uyên, lạnh tê tái trên đỉnh Ô Quy Hồ, mây Làng Mô, gềnh thác nơi thượng nguồn Đà giang, những chén rượu say nồng của đồng bào Hmong nơi Thu Lũm hay tình dân quân quý giá của anh biên phòng trạm Kẻng Mỏ canh giữ biên cương đất nước. Chúng tôi đi từ miền đồng bằng, qua trung du, theo ngược dòng Đà giang để tìm về nguồn cội rồi từ đó lại xuôi theo con nước trở về phố thị mà mang theo bao thương nhớ về mảnh đất cuối trời Tây Bắc của Tổ quốc.
W.TIPS
THỜI ĐIỂM
Thời gian đi Lai Châu đẹp nhất thường là mùa xuân hoặc mùa thu, mùa hè thì khá nóng và mùa đông giá buốt. Bạn sẽ bắt gặp khá nhiều hoa mận, đào nở rực khắp các bản làng vào mùa xuân, may mắn hơn thì sẽ là biển mây ở Sìn Hồ, nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc cũng thường được tổ chức vào mùa xuân. Mùa thu bạn có thể khám phá thượng nguồn sông Đà hoặc đi thăm các hang động, thác nước cũng thú vị. Mùa thu cũng là mùa lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Cũng đừng quên các phiên chợ đầy sắc màu của đồng bào nữa nhé.
PHƯƠNG TIỆN
Để khám phá Lai Châu, bạn có thể sử dụng linh hoạt 3 phương tiện là xe máy, xe khách (bus) và xe ô tô cá nhân. Thành phố Lai Châu cách Hà Nội gần 400km nếu đi theo đường cao tốc Lào Cai và hơn 450km nếu đi theo QL32. Với xe khách, bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để di chuyển lên Lai Châu, hàng ngày có nhiều chuyến khác nhau cho bạn lựa chọn, bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian bằng cách đi xe đêm lên Lai Châu hoặc Mường Lay. Nếu không thì có thể đi tàu (hoặc xe khách) lên thành phố Lào Cai rồi từ đó đi xe khách sang thành phố Lai Châu. Từ thành phố Lai Châu bạn có thể thuê xe máy hoặc đi xe bus xuống các trung tâm huyện để từ đó khám phá các địa danh khác nhau.
Với xe ô tô cá nhân, lộ trình ngắn nhất là theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai sau đó qua Sapa, Tam Đường và thành phố Lai Châu, từ đây có thể đi các địa danh còn lại rồi vòng xuống Điện Biên về theo hướng Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình. Bạn cũng có thể theo QL32 qua Mù Cang Chải, Than Uyên, Bình Lư rồi Lai Châu, đây là cung đường đẹp và nhiều cảm xúc hơn là chạy cao tốc.
Nhiều bạn trẻ chọn xe máy để khám phá mảnh đất cuối trời Tây Bắc này vì tính cơ động dễ đi sâu vào các bản làng. Thông thường, xe máy thì sẽ đi theo QL32 qua Than Uyên lên Lai Châu rồi Sìn Hồ, Mường Lay, Mường Tè, về Điện Biên…
LƯU TRÚ
Thủ phủ chính là thành phố Lai Châu khá phát triển, được quy hoạch mới với việc di dân từ thị xã Mường Lay cũ lên nên thành phố rất rộng rãi, khang trang và sạch đẹp. Hàng chục khách sạn lớn nhỏ ở Lai Châu để bạn có thể lựa chọn với mức giá khá phải chăng. Tại các trung tâm huyện cũng đều có nhà nghỉ, khách sạn. Nếu đi sâu vào các bản làng như Thu Lũm, Ka Lăng, Kẻng Mỏ, Ma Lù Thàng… thì có thể ngủ nghỉ ở đồn biên phòng hoặc nhà dân.
ẨM THỰC
Ẩm thực Lai Châu mang nét chung của vùng Tây Bắc với nhiều món đặc sản chung cũng như rất riêng của mỗi dân tộc. Món xôi tím hay xôi ngũ sắc được làm từ nếp nương, màu từ các loại cây rừng. Cá bống vùi tro bếp (Vàng Pheo, Phong Thổ, Lai Châu) là món ăn đặc biệt của người Thái trắng, Pa Pỉnh Tộp là món cá nướng được tẩm ướp cầu kỳ với nhiều loại gia vị khác nhau, món nộm hoa Ban, nộm cây dau dớn, lợn cắp nách, thịt treo gác bếp,… Một món ăn khác cũng khá thú vị khác ở Lai Châu là món Rêu đá, rêu được lấy từ trên các tảng đá ở suối, rửa sạch chế biến thành các món ăn khác nhau như canh, rêu nướng,… hương vị giống với tảo biển khá thơm ngon. Món canh tiết lá đắng, lam nhọ, rượu ngô Sùng Phài, bánh chưng đen, bánh dày, bánh mật, … cũng là những nét đặc trưng rất riêng của các đồng bào dân tộc ở Lai Châu.
LỘ TRÌNH CƠ BẢN
Lộ trình cơ bản để khám phá Lai Châu từ Hà Nội sẽ là từ 3 – 7 ngày tùy thuộc từng loại phương tiện và địa điểm khác nhau. Chúng tôi đưa ra lộ trình cơ bản cho phương tiện là xe máy/ô tô cá nhân xuất phát từ Hà Nội và đi trọn một vòng Lai Châu cũng như Tây Bắc với gần như tất cả các địa danh chủ yếu cũng như chinh phục cột mốc số 0 ở A Pa Chải – Điện Biên. Tùy theo thời gian, phương tiện mà bạn có thể cắt ngắn lộ trình cho phù hợp.
Ngày 1: Hà Nội – Thanh Sơn – Thu Cúc – Tú Lệ – Mù Cang Chải
Ngày 2: Mù Cang Chải – Than Uyên – Tam Đường – thành phố Lai Châu
Ngày 3: Lai Châu – Sìn Hồ – Phăng Xô Lin – Chăn Nưa – Mường Lay
Ngày 4: Mường Lay – Mường Tè – Pắc Ma – Kẻng Mỏ – Mốc 17 Thượng nguồn sông Đà – Ka Lăng – Thu Lũm.
Ngày 5: Thu Lũm – Pắc Ma – Mù Cả – Chung Chải – A Pa Chải
Ngày 6: Sáng leo cột mốc số 0 – ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Trung Quốc – Chiều chạy xe ra Mường Nhé hoặc Mường Chà.
Ngày 7: Mường Chà – Điện Biên – Sơn La – Mộc Châu.
Ngày 8: Lang thang Mộc Châu và trở về Hà Nội.
Theo wanderlusttips
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.