'Thỏi nam châm' Hội An vẫn không ngừng hút khách bởi loạt trải nghiệm tuyệt vời này
Đi qua mọi ngóc ngách của phố cổ, thả đèn hoa đăng trên sông Hoài, xem biểu diễn thực cảnh sống động và hoành tráng… cùng vô vàn trải nghiệm khác đang chờ đón bạn khi đi du lịch Hội An.
Nhiều du khách nhận xét rằng Hội An chính là vùng đất nhớ thương, đến một lần sẽ chẳng muốn rời đi. Phố cổ ngày nắng rực rỡ sắc vàng dưới những giàn hoa giấy đỏ thắm.
Phố cổ ngày mưa dịu dàng như mới vừa tỉnh giấc. Hội An ngày ngập nước, người ta đi lại bằng xuồng, ghe mà vẫn hân hoan. Mỗi mùa Hội An đều có một nét đẹp riêng, chân thành và giản dị. Nếu đã đến đây, hãy trải nghiệm nay những hoạt động du lịch thú vị này.
1. Đi một vòng tham quan phố cổ
Từ thành phố Đà Nẵng, bạn có thể di chuyển khoảng 30 km vào đến phố cổ Hội An, đi bằng taxi hay xe máy tự lái đều được. Khuyên bạn nên thuê xe máy để dễ dàng di chuyển giữa các điểm đến. Vào mùa nắng, phố cổ thức giấc từ rất sớm, nhưng thường sau 3 giờ chiều mỗi ngày mới bắt đầu đông đúc.
Vẻ đẹp Hội An lúc sáng sớm. Ảnh: halovietnam
Phố cổ Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, từng là một thương cảng quốc tế vô cùng sầm uất, nơi gặp gỡ, giao lưu mua bán của các thuyền buôn Trung, Nhật và phương Tây trong thế kỷ 17-18. Sau này, giao thông đường thủy không còn tiện lợi nữa, cảng Hội An bắt đầu suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng.
Hội An đẹp rực rỡ với hoa giấy đỏ thắm. Ảnh: wanderlusttips
Hai cuộc chiến tranh dân tộc không làm tổn hại đến phố cổ, nơi này cũng tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Nhờ đó, Hội An vẫn giữ nguyên vẻ đẹp kiến trúc và văn hóa cổ xưa cho đến ngày nay.
Những bức tường vàng nổi bật nơi phố cổ. Ảnh: wanderlusttips
Phần lớn những ngôi nhà trong phố cổ được xây dựng với kiến trúc truyền thống, nối nhau san sát trên tuyến phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa cách ngôi nhà là nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người dân nơi đây, minh chứng cho cả quá trình hình thành, phát triển và suy tàn của thương cảng. Ở đây còn có nhiều hội quán, đền miếu mang dấu ấn của người Hoa, một số ngôi nhà mang kiến trúc Pháp độc đáo.
Hội An ngày nay là điểm đến thu hút nhiều du khách. Ảnh: wanderlusttips
Đến phố cổ Hội An, bạn có thể thong thả dạo chơi trên các tuyến phố như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, dừng lại check-in trước những ngôi nhà cho kiến trúc đặc biệt, mua sắm vài món quà lưu niệm nhỏ xinh. Khi mệt rồi thì ghé vào một quán cà phê, thưởng thức những món thức uống mát lạnh.
Check-in tại Hội An. Ảnh: iam_nhu_y
Quá trình dạo chơi giúp bạn cảm nhận những giá trị kiến trúc và văn hóa vẫn trường tồn với thời gian. Nếu đi cùng hướng dẫn viên, bạn có thể ghé thăm những hội quán trăm năm tuổi, nghe họ kể về một Hội An sống động thời kỳ trước. Nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, nhà thờ tộc Trần, chùa Cầu, hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu… mỗi điểm dừng chân đều có một câu chuyện riêng.
Check-in trong từng con ngõ nhỏ ở Hội An. Ảnh: meteolocom
Bạn cũng có thể trải nghiệm cảm giác ngồi xích lô, chầm chậm dạo chơi qua từng tuyến phố, hoặc lái xe đạp, băng qua mọi ngóc ngách, tận hưởng bầu không khí trong lành của vùng đất này.
Hội An là điểm đến thu hút nhiều người trẻ. Ảnh: lovefleurite
2. Thả đèn hoa đăng trên sông Hoài
Phố cổ Hội An không quá rộng, dạo chơi một vòng chỉ mất khoảng một buổi, kể cả thời gian dừng chân check-in. Nên du khách thường đến đây vào buổi chiều, sau đó nán lại chờ đến tối, khi đèn lồng bắt đầu được thắp sáng. Lúc này, phố cổ hiện lên vừa lung linh vừa huyền ảo nhờ được chiếu sáng bởi những chiếc lồng đèn giấy làm thủ công tuyệt đẹp.
Phố cổ Hội An lúc về chiều. Ảnh: thrivehoian
Hội An vào buổi tối tĩnh lặng và bình yên, từng làn gió thổi từ sông Hoài vào xua tan đi cái oi bức ban ngày, thanh thanh mùi hơi nước dễ chịu. Đừng bỏ qua trải nghiệm thả đèn hoa đăng tại đây.
Lồng đèn Hội An. Ảnh: whereischasenow
Những chiếc đèn giấy nhiều màu, được cắt thành hình hoa sen, ở giữ có một khoảng trống để đặt một cây nến nhỏ. Đèn được những người phụ nữ lớn tuổi và các em nhỏ bán dọc theo hai bên bờ sông Hoài. Khi khách mua, người ta sẽ thắp sáng ngọn nến. Một ngọn hoa đăng chỉ từ 5.000 – 10.000 VNĐ. Bạn có thể ước nguyện và thả đèn trên sông, lặng ngắm đèn trôi theo dòng nước ra xa tít tắp.
Thả đèn hoa đăng trên sông Hoài. Ảnh:nomuraphoto
3. Ngồi thuyền dạo chơi trên sông Hoài
Buổi đêm hai bên sông Hoài rất nhộn nhịp, những tiếng rao bán đồ chơi, bán đèn hoa đăng, những gian hàng đồ nướng, đặc biệt là tiếng chào mời của những người lái thuyền. Một lượt ngồi thuyền có giá từ 20.000 - 50.000 VNĐ/người, tùy theo mùa du lịch cao hay thấp điểm. Nếu đi theo nhóm thì giá có thể rẻ hơn.
Buổi đêm ở bên sông Hoài. Ảnh: tastytommy
Thuyền được trang trí rất đẹp gồm lồng đèn đầy màu sắc, hoa giấy và chong chóng, lái bằng máy hoặc chèo bằng tay đều có. Một lượt ngồi thuyền có thể đưa bạn đi từ bên này qua bên kia sông, sau đó quay trở lại điểm xuất phát. Bạn cũng có thể mua theo đèn hoa đăng để mang ra giữa sông ước nguyện.
Thuyền được trang trí rất rực rỡ. Ảnh: tommy-sawasdee
Trải nghiệm này giúp bạn có cơ hội tận hưởng làn gió mát lạnh đầy hơi nước, bầu không khí trong lành, ngắm nhìn phố cổ hai bên bờ lung linh, huyền ảo.
Ngồi thuyền dạo ra giữa sông Hoài. Ảnh: janna_baron
4. Thưởng thức đặc sản Hội An
Nhắc đến Hội An làm sao có thể quên món cao lầu nức tiếng. Từ thế kỷ 17, món ăn này đã xuất hiện tại phố cổ. Từ đó đến nay, nó trở thành linh hồn của ẩm thực Hội An, đã đến đây nhất định phải thưởng thức một tô cao lầu, như vậy chuyến đi mới trọn vẹn.
Món cao lầu Hội An. Ảnh: wandering_tea89
Cao lầu có phần sợi không giống bún, gần giống phở nhưng lại không phải phở, giống mỳ Quảng nhưng lại có màu vàng. Nghe nói, ngày xưa người ta phải dùng loại tro nấu ở Cù Lao Chàm để ngâm gạo, sau đó đem xay bằng nước giếng Bá Lễ mát lạnh, không phèn. Như vậy, sợi mỳ làm ra mới có độ giòn, dẻo đặc trưng. Ngày nay, người ta dùng gạo lứt để sợi mỳ có màu vàng tự nhiên.
Tô cao lầu thơm ngon hấp dẫn. Ảnh: chic.kitchen.vietnam
Cao lầu không cần nước dùng kèm, nhưng có thể ăn cùng thịt xíu, nước xíu, tép mỡ. Một số chỗ bán người ta còn cho thêm da heo giòn sựt. Thịt xíu làm từ thịt đùi lợn nạc, ướp gia vị và ngũ vị hương. Nước sốt xá xíu rưới lên có vị rất đậm đà.
Cao lầu được chế biến công phu. Ảnh:lindseyeatspnw
Món ăn ngày nay được bán ở nhiều nhà hàng nổi tiếng khắp Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng chỉ có ở Hội An là giữ chuẩn hương vị nhất. Nhờ nước giếng Bá Lễ và rau sống trồng từ vườn rau Trà Quế, món ăn mới trở nên hấp dẫn như thế. Một tô cao lầu có giá từ 30.000 – 50.000 VNĐ.
Tô cao lầu giá từ 30.000 – 50.000 VNĐ. Ảnh: linguinnee
5. May đồ lấy ngay ở Hội An
Hội An có nhiều tiệm may đồ lụa, áo dài chất lượng và uy tín, được nhiều du khách nước ngoài yêu thích. Đặc biệt, ở đây còn có nhiều địa chỉ may đồ thần tốc khiến khách bất ngờ. Bạn có thể ghé vào một tiệm may bất kỳ, nhân viên sẽ lấy số đo và may đồ theo yêu cầu của bạn. Sau 4 giờ đồng hồ, bạn có thể quay lại lấy trang phục và trả tiền.
Trải nghiệm may đồ lấy ngay ở Hội An. Ảnh: baodanang
Một số hiệu vải có dịch vụ may đo thần tốc tại Hội An như: tiệm vải Sơn Ca - 127 Trần Phú, tiệm may Yaly - 358 Nguyễn Duy Hiệu, Bao Khanh Silk - 101 Trần Hưng Đạo, tiệm may Lana - 130 Trần Phú, Tony The Tailor - 294 Nguyễn Duy Hiệu…
Nhân viên có tay nghề cao, cập nhật nhanh chóng những mẫu mã hiện đại, chuyên may các loại trang phục từ vải lụa chất lượng cao, nhất định sẽ khiến bạn hài lòng. Giá sản phẩm tùy theo độ khó và công phu, có thể dao động từ 350.000 - 2,2 triệu đồng.
Giá sản phẩm có thể dao động từ 350.000 - 2,2 triệu đồng. Ảnh: baodanang
6. Thưởng thức bánh mì Hội An
Bánh mì ở Hội An từng được nhiều du khách nước ngoài gọi là món ăn “kỳ diệu nhất thế giới”, “chiếc bánh kẹp ngon nhất thế giới”. Tại đây có nhiều thương hiệu bánh mì nức tiếng gần xa như Bánh mì Madam Khanh, bánh mì Phượng. Bánh mì Phượng tọa lạc ở số 2B đường Phan Châu Trinh. Quán mở bán cả ngày và lúc nào cũng đông khách, muốn ăn phải xếp hàng mua rất lâu.
Bánh mì Phượng nổi tiếng khắp thế giới. Ảnh:foodyhoian
Tủ bánh mì nằm ngang hướng ra mặt đường, nhiều nhân viên đứng phía trong làm từng giai đoạn, từ xẻ bánh mì, làm nhân đến chan nước sốt … vô cùng chuyên nghiệp và nhanh chóng.
Mỗi ổ bánh mì có giá từ 20.000 - 30.000 VNĐ, tùy loại nhân. Tiệm cũng có bán cả các loại nước ướp lạnh và bánh bao cho thực khách lựa chọn. Tiệm có chỗ ngồi, nên bạn có thể ngồi ăn tại chỗ hoặc mua mang đi tùy thích.
Bánh mì Phượng có nhiều loại nhân. Ảnh: cheatmeal
Bánh mì ngon nhất khi ăn nóng. Lớp vỏ giòn giòn thơm mùi bơ thực vật, bên trong có nhiều loại rau như quế, ngò, hành…, dưa leo, dưa muối, thịt, chả lụa, phô mai, pate, trứng, thịt nguội, thịt nướng, thịt gà… tùy yêu cầu của thực khách. Cuối cùng là một lớp sốt được pha chế theo công thức riêng.
Bánh mì Phượng là món ăn được nhiều du khách nước ngoài yêu thích. Ảnh: hkfoodie
Ổ bánh mì Phượng thường lớn và nhiều nhân hơn bánh mì ở nơi khác, nên giá thành cũng cao hơn một chút. Dù vậy, nó cũng chẳng đắt đỏ hơn những món khác là bao. Nhiều du khách nước ngoài sẵn sàng mua 3 4 ổ một lần để ăn cho “thỏa cơn ghiền”, thậm chí xem bánh mì là bữa ăn chính trong ngày.
Bánh mì Phượng là món ăn sáng hấp dẫn bạn không thể bỏ qua khi đi du lịch Hội An. Ảnh: telefood
7. Xem Xiếc Tre Việt Nam
Đến Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lune Hội An, bạn có thể xem show biểu diễn À Ố Show vô cùng hấp dẫn. Đây là nhà hát bằng tre đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, được thiết kế dành riêng cho những buổi biểu diễn chất lượng cao, đặc biệt là các vở diễn Xiếc Tre nổi tiếng.
Trung tâm Lune Hội An. Ảnh: luneproduction
Trung tâm Lune Hội An có diện tích 459 m2 và 299 chỗ ngồi, đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018. Nhà hát có kiến trúc độc đáo, mái vòm bằng tre cao 13 m, lấy cảm hứng từ biểu tượng trăng tròn trong văn hóa nhiều nước châu Á.
À Ố Show. Ảnh: luneproduction
À Ố Show là sản phẩm của Lune Prodution - đơn vị sáng lập năm 2012 với mục tiêu truyền tải các giá trị văn hóa Việt Nam đến du khách thế giới, góp phần bảo tồn và mang bản sắc văn hóa cổ xưa vào đời sống hiện đại. Vở diễn À Ố Show được dàn dựng công phu dưới hình thức xiếc kể chuyện, sử dụng toàn bộ đạo cụ chính bằng tre, kết hợp với biểu diễn sống động trên nền âm nhạc trực tiếp, mang đến cho du khách tiếng cười hóm hỉnh và những giây phút lắng động đầy cảm xúc.
À Ố Show mang đến cho du khách tiếng cười hóm hỉnh và những giây phút lắng động đầy cảm xúc. Ảnh: luneproduction
À Ố Show tựa như một cuốn phim dài, kể về đời sống của người Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp từ làng quê lên phố thị. Phần I mở đầu bằng hình ảnh những chiếc thuyền thúng chập chờn trên sóng nước, nơi trai tráng khỏe mạnh đang chinh phục thiên nhiên, cùng nhau kéo những mẻ cá lớn.
Tiếp đến là cảnh một làng chài thanh bình vào buổi sáng, âm thanh í ới gọi nhau, mở những phiên chợ đông đúc, các cô gái mặc áo bà ba tươi cười rạng rỡ với rổ cá tôm nhỏ xinh trên tay. Mặt trời lên cao là lúc người dân cùng nhau ra đồng, bước qua những chiếc cầu lắt lẻo vắt ngang sông…
Toàn bộ đạo cụ của vở diễn đều làm bằng tre. Ảnh: luneproduction
Phần 2 chuyển biến nhẹ nhàng, những thân tre dài thẳng tắp lúc này không còn là những chiếc cầu, mà được dựng thành những khu nhà trọ cao tầng, đại diện cho nếp sống chung cư, từ nông dân biến thành công nhân, thể hiện cuộc sống đô thị hóa ấn tượng.
Vở diễn khắc họa tiếng ếch nhái, côn trùng, gà vịt, hoạt động cày cấy một cách gần gũi và sống động, khiến khán giả cũng như bị chìm vào hồi ức tươi đẹp, mộc mạc xưa kia. Sau đó là giây phút thức tỉnh với những điệu múa đương đại quyến rũ, những màn nhào lộn dồn dập, âm thanh hối hả, mô tả đời sống đô thị hóa sau này.
Phần 2 của vở diễn. Ảnh: luneproduction
Đội ngũ diễn viên đều là những vũ công, nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp, thực hiện nhào lộn, đu dây nguy hiểm với tâm thái nhẹ nhàng như không, thể hiện vũ điệu nhịp nhàng, uyển chuyển.
Đội ngũ diễn viên đều là những vũ công, nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp. Ảnh: luneproduction
À Ố Show kéo dài 60 phút, đưa khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trên một diện tích sân khấu không mấy lớn nhưng bạn có thể thấy được nhiều biểu tượng của làng quê như cầu khỉ, cảnh hái hoa sen, cảnh hát hò trên ghẹo nhau, hay cảnh phim ngắn về văn hóa chung cư, văn hóa đường phố của thời hiện đại. Mỗi một tiểu cảnh đều có thể mang đến cho bạn những tràn cười sảng khoái dựa trên cách biểu diễn hóm hỉnh mà không phô trương.
Những màn trình diễn nguy hiểm này không dành cho trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: luneproduction
Buổi biểu diễn thường bắt đầu từ 18 giờ hàng ngày, giá vé vào cửa là 700.000 VNĐ/người. Không mang theo máy ảnh, không sử dụng điện thoại khi đang xem trình diễn.
Trailer À Ố Show. Video: luneproduction
8. Thưởng thức Show biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An
Reuters đã gọi Ký ức Hội An là Show biểu diễn thực cảnh đẹp nhất thế giới. Show diễn cũng từng được trình chiếu trên Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ và xuất hiện trên hơn 220 cơ quan thông tấn, báo chí uy tín nhất của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore… Với Việt Nam, Ký ức Hội An chính là “phép màu” thúc đẩy du khách nước ngoài đến phố cổ.
Ký ức Hội An là Show biểu diễn thực cảnh đẹp nhất thế giới. Ảnh: kyuchoian
Ký ức Hội An được lên ý tưởng và sản xuất bởi Gami Thêm Park. Show diễn là hình thức kể chuyện bằng âm nhạc, ánh sáng, con người, cảnh vật… khắc họa lại quá trình hình thành, phát triển của thương cảng Hội An.
Show diễn được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018, chưa đầy một năm sau đã đón được hơn 1.000 du khách trong và ngoài nước. Chương trình Ký ức Hội an cũng nhận được 2 kỷ lục là Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam (25.000 m2) và Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên đông nhất (500 người).
Chương trình Ký ức Hội an cũng nhận được 2 kỷ lục Việt Nam. Ảnh: kyuchoian
Toàn bộ vở diễn chia làm 5 phần, kể về các giai đoạn lịch sử của Hội An. Bạn sẽ như được du hành thời gian, trở về với hình ảnh một ngôi làng truyền thống hơn 400 năm về trước, từ thưở hồng hoang cho đến khi phát triển thành một trong những thành phố du lịch tốt nhất thế giới.
Màn 1 mang tên Sinh mệnh, là bức tranh sinh động về những hoạt động thường nhật của người dân Hội An trước đây, cô gái mặc áo dài trắng tinh khôi, dệt vải sau khung cửi với đôi tay uyển chuyển. trai tráng đốn tre, cưa gỗ xây nhà, dựng xóm làng, lập làng nghề.
Màn 1 tên Sinh mệnh. Ảnh: kyuchoian
Màn 2 tên Đám cưới, phục dựng lại Hội An thời kỳ văn hóa Chăm-pa với màn rước dâu bằng voi hoành tráng. Đây là đám cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Lý về cho giang sơn Đại Việt. Những điệu múa, nghi lễ và trang phục toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, đám cưới vui vẻ với ý nghĩa lớn về xã tắc.
Màn 2 tên Đám cưới. Ảnh: kyuchoian
Màn 3 là Thuyền và biển - khắc họa Hội An trong giai đoạn chuyển mình. Người xem có thể nhận ra một Hội An lặng lẽ, bình dị trải qua bao thăng trầm, nhìn thấy người con gái thả đèn hoa đăng bên sông Hoài ê ả nguyện cầu người yêu sớm trở về, chờ đến khi hóa đá. Đây cũng là màn trình diễn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất.
Màn trình diễn đầy cảm xúc từ các nghệ sỹ. Ảnh: kyuchoian
Màn thứ 4 mang tên Bến bờ, là Hội An ở thời kỳ giao thoa văn hóa đa phương, khắc họa phiên chợ quốc tế với không khí sôi động, tấp nập nơi thương cảng. Giai điệu âm nhạc mạnh mẽ hơn, màn biểu diễn với tiết tấu nhanh hơn giúp khán giả như được hòa mình vào bầu không khí vi diệu ấy.
Màn thứ 4 là Hội An ở thời kỳ giao thoa văn hóa đa phương. Ảnh: kyuchoian
Màn 5 tên Áo dài - là sự kết hợp giữa Hội An trong ký ức với hơi thở hiện đại. Một trăm cô gái trong trang phục áo dài trắng thướt tha, cầm lồng đèn sáng rực rỡ bước đi trên con đường dài thật dài xuyên qua sân khấu.
Một trăm cô gái trình diễn màn thứ 5. Ảnh: kyuchoian
Show Ký ức Hội An được trình diễn tại Công viên Ấn tượng Hội An, 200 Nguyễn Tri Phương, Cồn Hến, Hội An. Show diễn bắt đầu từ 20 đến 21h thứ 6, 7 và Chủ nhật hàng tuần, giá vé từ 400.000 - 1.200.000/người lớn (tùy hàng vé), trẻ em dưới 1 m được miễn phí.
Trailer Ký ức Hội An. Video: Reuters
Theo Báo Thể thao Việt Nam
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.