Thưởng thức những món bánh đặc sản có tên gọi kỳ lạ nhất Việt Nam

Bên cạnh những món ăn nổi tiếng như phở, bún hay bánh mì ẩm thực Việt còn rất nhiều món bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam mà không phải ai cũng biết.

Ẩm thực Việt từ lâu đã nổi tiếng với là một nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Bởi bên cạnh những "món ăn quốc dân" đã quá quen thuộc như phở, bún, bánh mì… thì ở mỗi vùng miền trên khắp cả nước thành lại xuất hiện nhiều loại bánh đặc sản trứ danh khác nhau khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi, trong đó phải kể đến những món bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam với tên gọi độc đáo mà không phải ai cũng biết đến.

Bánh gio

Nhắc đến những món bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam mà không nhắc đến bánh gio thì quả là điều thiếu sót. Bánh gio hay còn được gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nẳng là đặc sản số 1 của tỉnh Bắc Kạn.

Nguyên liệu tạo nên một chiếc bánh gio ngon khá đơn giản, chỉ bao gồm: gạo nếp, nước gio và măng khô nhưng bánh phải được gói bằng lá dong đã luộc kỹ, và đặc biệt không thể thay thế lá dong bằng các loại lá khác.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh gio hay còn được gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nẳng . Ảnh: @eatwpeach

Để làm được chiếc bánh gio ngon, có màu sắc đỏ tươi và mùi vị đặc trưng, thứ quan trọng nhất chính là nước gio dùng để ngâm gạo. Nước gio dùng ngâm gạo được làm từ khá nhiều nguyên liệu như vỏ bưởi, cây vừng, dền, hạt thầu dầu, rơm nếp... 

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Đây là đặc sản số 1 của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: wanderlusttips

Bánh gio khi thành phẩm, bóc bánh ra phải có màu đỏ tươi giống màu quả cà chua chín, có độ bóng đặc trưng và hạt gạo đã chín nhuyễn. Khi thưởng thức bánh, bánh dẻo, có vị hơi nồng nồng của nước gio, khi ăn cảm nhận được vị thanh mát nơi đầu lưỡi thì bánh mới đạt được tiêu chuẩn. 

Bánh cóng

Bánh cóng (hay bánh cống) là một đặc sản của người Khmer Nam Bộ thuộc tỉnh Sóc Trăng, trong đó xã Đại Tâm là nơi nức tiếng nhất. Bánh ban đầu có tên là bánh Sển hoặc Sài Cá Nại (tiếng Khmer). Tuy nhiên vì tên khó nhớ nên sau được gọi là bánh Cóng, ý để chỉ hình thức bánh được đổ vào chiếc Cóng – một dụng cụ có dáng tựa như phin cà phê với tay cầm dài như vá múc canh để người chiên bánh cầm đỡ nóng.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh cóng (hay bánh cống) là một đặc sản của người Khmer Nam Bộ thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: @vivian.t.t.v

Thông thường, bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh và nhân tôm thịt, củ sắn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị giòn rôm rốp của vỏ bánh, vị béo béo bùi của nhân và cả vị thanh mát của những loại rau sống ăn kèm tương tự như món bánh xèo. Bánh cóng sau khi chiên giòn lên có màu khá sậm, thường được dùng kèm với rau xanh và nước mắm chua ngọt để không bị ngán khi ăn.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Thông thường, bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh và nhân tôm thịt, củ sắn. Ảnh: thvnhtvmtr

Bánh cáy

Nhắc tới Thái Bình, ngoài chùa Keo cổ kính, đền Trần linh thiêng, du khách còn ấn tượng với nhiều món ăn ngon đậm chất quê dân dã, trong số đó không thể bỏ quá thức quà quê bình dị, bánh cáy. Thức quà ấy là đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. 

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Nhắc tới Thái Bình không thể bỏ quá thức quà quê bình dị, bánh cáy. Ảnh: @trinhtrn

Sỡ dĩ nó có tên gọi là như vậy là bắt nguồn từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ mạch nha, mứt dừa, mè, đậu phộng rang thơm lừng đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy).

Món bánh quê tuy giản dị nhưng khi cắn miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngậy, bùi của những nguyên liệu từ ruộng đồng.

Bánh Pía

Những ai là tín đồ của sầu riêng và các món ăn từ sầu riêng thì chắc hẳn không thể bỏ lỡ món bánh pía - một trong những món ngon nổi tiếng từ Sóc Trăng. Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu, Trung Quốc  là những chiếc bánh nguyên thủy chỉ có nhân thịt heo, đậu xanh, và có trộn mỡ. 

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Những ai là fan cuồng của sầu riêng và các món ăn từ sầu riêng thì chắc hẳn không thể bỏ lỡ món bánh pía. Ảnh: Phú Đào

Nhưng đến khi được du nhập vào Việt Nam thì nó đã được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị cũng như đặc trưng của người bản địa như phần nhân bánh được làm từ đặc sản sầu riêng tách thịt trộn với mỡ heo cùng với vị mặn mặn, béo ngậy của trứng muối đã làm nên hương vị thơm ngon khó cưỡng. 

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Khi được du nhập vào Việt Nam thì nó đã được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người bản địa. Ảnh: thanhnien

Cách thưởng thức đúng điệu nhất món Pía Sóc Trăng chính là ăn kèm với trà nóng. Cảm giác hớp một ngụm trà, ăn một miếng bánh, vị đăng đắng của nước trà cùng với vị ngọt bánh Pía hòa tan đầu lưỡi, tạo nên một sự hài hòa đặc biệt, khiến ai nấy cũng phải mê mẩn. Vậy nên nếu có dịp du lịch Sóc Trăng đừng quên thưởng thức món bánh này.

Bánh uôi

Bánh uôi không chỉ là đặc sản mà còn là niềm tự hào của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Không ai biết bánh uôi có từ khi nào, kể cả những cụ cao niên trong làng, chỉ biết rằng bánh đã được truyền qua nhiều thế hệ. Trong tiếng Mường, bánh uôi được goị là "peẻng Uôi", ngoài ra, bánh còn có nhiều tên gọi hay ho khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết,… 

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh uôi không chỉ là đặc sản mà còn là niềm tự hào của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: guu

Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, gồm hai loại: nhân mặn làm từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, còn nhân ngọt làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở địa phương) hoặc từ đậu xanh. Tuy đơn giản là thế nhưng bánh là một vật phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ của các gia đình ở đây.

Bánh khọt

Bánh khọt là món bánh khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây và đặc biệt là ở thành phố Vũng Tàu. Nếu như ở miền Tây với phần bánh dày có màu vàng, phủ lên đậu xanh, mỡ hành, một chút nước cốt dừa cùng tép tươi ở phía trên... thì ở Vũng Tàu bánh có đế mỏng hơn, bên trên có mỡ hành, tôm tươi và tôm cháy giã nhuyễn.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh khọt là món bánh khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây và đặc biệt là ở thành phố Vũng Tàu. Ảnh: toithichdi

Có hai cách lý giải tên gọi của món ăn này. Một là xuất phát từ âm thanh khọt khọt vang lên khi người ta cho bột vào chảo. Hai là ngày xưa người dân nghèo cơ cực, không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ăn loại bánh làm toàn bằng bột chứ không có thịt thà gì. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là “khộp”, nghĩa là nghèo khổ (theo từ cổ). Lâu dần, cái tên “khộp” ấy được đọc trại thành “khọt”.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Có hai cách lý giải tên gọi của món ăn này. Ảnh: pinterest

Bánh khọt ngon đúng điệu phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai, có vị béo của bột gạo, nước dừa và gạch tôm hòa quyện, vàng ruộm và thơm lừng, bên cạnh đó không thể thiếu chén nước chấm đậm đà và các loại rau sống để giúp miếng bánh khọt thêm ngon miệng hơn.

Bánh tai

Bánh tai là một đặc sản của vùng làng quê Phú Thọ. Không rõ bánh tai có từ khi nào nhưng với hình thù đặc biệt giống cái tai cộng thêm hương vị thơm ngon, những chiếc bánh tai đã góp phần tô đẹp thêm nét văn hóa ẩm thực của vùng quê đất Tổ.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh tai là một đặc sản của vùng làng quê Phú Thọ. Ảnh: youtube

Nguyên liệu để làm món bánh khá đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và các loại gia vị cần thiết. Nhìn thì thấy bình dân vậy thôi nhưng để làm ra chúng người ta phải bỏ ra biết bao nhiêu công sức, vậy nên món bánh tai đã trở thành một thứ quà sáng rất đặc biệt ở vùng quê đất Tổ mà bất cứ người con xa quê luôn nhớ mãi.

Bánh gật gù

Một cái tên khác trong số những món bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam chính là món bánh gật gù, đặc sản của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Người dân vùng này truyền tai nhau rằng ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì ai cũng cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Bởi thế mà từ ấy, cái tên bánh gật gù xuất hiện và được phổ biến cho đến hiện nay.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh gật gù ngon không chỉ nằm ở bột bánh mà còn nằm ở phần mắm chấm. Ảnh: zing

Bánh gật gù ngon không chỉ nằm ở bột bánh mà còn nằm ở phần mắm chấm. Thường nước mắm chấm bánh được làm từ nước mắm cốt truyền thống, chưng với mỡ gà, hành phi, ớt, hoặc chấm với khâu nhục. Chấm chiếc bánh thanh mát với nước chấm đậm đà có độ béo ngậy bạn sẽ hiểu vì sao bánh gật gù được nhiều người ưa thích đến thế.

Bánh ngải

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Đây thực chất là loại bánh đặc sản nức tiếng của người Tày ở Lạng Sơn. Ảnh: kienthuc

Thoạt đầu khi đến tên bánh ngải chắc hẳn nhiều người sẽ thoáng giật mình, nhưng đây thực chất là loại bánh đặc sản nức tiếng của người Tày ở Lạng Sơn. Bánh được làm từ lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo rồi đem nặn thành hình tròn dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm với lớp vỏ dẻo, nhân vừng đen bùi ngọt kết hợp với đường phèn thơm lừng bên trong rất dễ ăn.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Chỉ cần nhìn thôi đã cảm thấy tươi mát bởi màu xanh mướt đẹp mắt và muốn thưởng thức ngay rồi. Ảnh:  baodulich.net.vn

Chỉ cần nhìn thôi đã cảm thấy tươi mát bởi màu xanh mướt đẹp mắt và muốn thưởng thức ngay rồi. Bánh ngải của người Tày không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nếu có dịp du lịch Lạng Sơn, bạn hãy một lần thưởng thức món bánh nổi tiếng này và mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh ngải của người Tày không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: kenh14

Bánh răng bừa

Bánh răng bừa cũng là loại bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam, còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ. Đây là loại bánh truyền thống của Thanh Hóa thường được làm vào các ngày rằm, ngày giỗ, Tết Nguyên đán ở đây. 

bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam

Bánh Răng Bừa còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ là món đặc sản của Thanh Hóa. Ảnh: baomoi

Sỡ dĩ bánh được đặt tên như vậy là do bắt nguồn từ hình dạng nhỏ nhắn, trông như những chiếc răng bừa – một loại nông cụ quen thuộc của những người dân nơi thôn dã. Nguyên liệu chính của bánh chỉ gồm gạo tẻ, còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị nhưng lại kết hợp cực hài hòa để đem đến một miếng bánh trắng đục, thơm và dẻo mang đậm chất hồn quê. 

Tuy những món bánh đặc sản kỳ lạ của Việt Nam đơn giản, mộc mạc như chính những người con của đất Việt, nhưng có lẽ cũng chính vì điều đó đã góp phần tạo nên một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam mà chẳng nơi nào có thể sánh được. 
 

Minh Nguyên - Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.