Về miệt Cù Lao Minh
Dân gian có câu: “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”… mà xứ Dừa này được hình thành bởi 3 cù lao: Minh, Bảo và An Hoá. Trong đó cù lao Minh là vùng dừa và vùng cây ăn trái có diện tích lớn nhất tỉnh Bến Tre. Nhưng cái cù lao rộng lớn trải dài bên bờ biển Đông hơn 20 cây số với hàng chục cái cồn lại còn được bao bọc bởi hai dòng sông Hàm Luông và Cổ Chiên cuồn cuộn phù sa này không chỉ có thế.
Biểu trưng xứ Dừa Bến Tre
Nơi xuất quân của tiểu đoàn 307
Mới đây, tôi dẩn mấy người quen ở Quảng Trị, Quảng Bình vốn là thanh niên xung phong và bộ đội Trường Sơn đã lớn tuổi có nguyện vọng vào Nam thăm quê hương Đồng Khởi. Khi tôi đưa đoàn đến Bia lưu niệm lể xuất quân của Tiểu đoàn 307 ngay tại trung tâm xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) thì trời bất chợt đổ mưa. Thế nhưng các chị vẩn móc điện thoại cầm tay ra chụp hình lia lịa và còn hào hứng hát vang: “Ba lẻ bảy, tiểu đoàn lẻ bảy, đoàn quân lẻ bảy, kể từ ngày ấy, đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy”…
Tôi thật không ngờ bài hát Tiểu đoàn 307 có sức vang xa đến thế. Lời hát đơn sơ, mộc mạc, dễ nghe, dễ nhớ và dễ hát theo, nhưng nghe cứ vang vang và có sức thúc đẩy mạnh mẽ. Hình như đây là bài hát ai cũng biết và có người không thuộc hết lời, nhưng vẩn nhớ được từng đoạn.
Trước khi biết tên tác giả bài hát Tiểu đoàn 307 tôi cũng đã “ công phu” tìm hiểu về đơn vị quân sự “ đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy” đã làm cho: "Tiếng tiểu đoàn, bao nhiêu quân Pháp run rẩy, sợ hãi”này. Theo đó, để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, ngày 1/5/1948 Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định thành lập một đơn vị chủ lực cơ động chiến đấu, bao gồm lực lượng vũ trang của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của trung đoàn 99 Bến Tre. Với quân số 1.200 người, trang bị chủ yếu là súng trường, mã tấu… do đồng chí Huy Rứa chỉ huy, đồng chí Hồng Long làm chính trị viên; sau hơn 2 tháng tập trung huấn luyện tại Bến Tre, ngày 5/7/1948, Tiểu đoàn liên quân lưu động (tên gọi ban đầu của Tiểu đoàn 307) làm lễ xuất quân tại căn cứ Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú). Đúng như lời bài hát: "Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sỉ tiếc gì máu rơi…”, "nguyện một lòng gìn giữ non sông” đã hùng dũng tiến về hướng Mỹ Tho. Ngày 16/8/1948 tiểu đoàn đánh trận đầu tiên diệt đồn Mộc Hoá và hôm sau đánh tiếp đoàn quân địch tiếp viện diệt 300 tên, thu 300 súng, trong đó có 3 cối 60 ly cùng hàng chục đại liên, trung liên… Và rồi trong thế: “lưỡi gươm vung với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan” tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Khu 8 và cũng là đơn vị cơ động đầu tiên của Nam bộ đã liên tiếp lập nên nhiều chiến công vang dội khắp cả vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vỉnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long Châu Hà.. như lời hát: "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang. Cửu Long giang sông trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn. Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy”.
Trước điểm xuất quân Tiểu đoàn 307
Việc tập họp lực lượng, đào tạo, huấn luyện và làm lể xuất quân của tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của cả Nam bộ ở Đại Điền không phải là chuyện .. tình cờ lịch sử. Chỉ cái tên Đại Điền đã nói lên sự trù phú, sung túc của một địa bàn nông thôn ruộng vườn cò bay thẳng cánh, giàu có bậc nhất trên đất Cù lao Minh. Đất đai màu mỡ, phong thuỷ tốt và có rất nhiều thanh niên hăng hái tòng quân tham gia kháng chiến, làng cổ Đại Điền cũng là nơi có những địa chủ giàu đến nứt đố đổ vách như Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hinh 1874 -1945 ) chiếm hữu 3906 mẫu ruộng. Nay Thành Phủ Kiểng này là Trường Đoàn Lê Văn Quang của tỉnh Bến Tre. Phủ Kiểng có 10 người con đều học hành giỏi giang, trong đó Nguyễn Duy Quang du học bên Pháp về được bổ làm Bí thư Chánh văn phòng của vua Bảo Đại. Một nhân vật khác cũng rất đặc biệt là Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm 1843-1927). Từ miền Trung dạt vào Giồng Luông khai phá đất đai, lập nghiệp và trở thành người đứng ra lập đền, chùa ở vùng đất mới khai phá Đại Điền. Hương Liêm tập kết vật tư, trong đó có nhiều loại vật liệu như cột, kèo, đòn tay…chở từ Campuchia về bằng đường thuỷ và rước thợ từ Huế về thi công đến 12 năm mới xong ngôi nhà vô cùng hoành tráng. Với kiểu kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX độc đáo ở Nam bộ, năm 2011, nhà cổ Huỳnh phủ được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được mở cửa đón khách tham quan...
Bến Tre từ lâu đã rất nổi tiếng với đặc sản xứ Dừa: "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”; nhưng thưởng thức "bánh dừa Giồng Luông” của Đại Điền một lần rồi, ai cũng khó quên.
Nôi Đồng Khởi
Cách bia lưu niệm lể xuất quân Tiểu đoàn 307 ở xã Đại Điền chưa đầy 30 cây số ngược lên hướng thành phố Bến Tre là xã Định Thuỷ (huyện Mỏ Cày Nam) – nơi được xem là cái “ nôi” của phong trào Đồng Khởi lịch sử miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây ngày 17/1/1960, nữ tướng của “đội quân tóc dài” Nguyễn Thị Định đã lãnh đạo và trực tiếp chỉ huy lực lượng quân dân Định Thuỷ nổi dậy, giải phóng trụ sở xã, chiếm bót Vàm Nước Trong, nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam.
Xã “Nông thôn mới” Định Thuỷ bây giờ rất đỗi bình yên. Một địa danh từng làm chấn động Lầu Năm góc của nước Mỹ, ngày nay chỉ ghi dấu bằng hàng chữ "Anh dũng Đồng Khởi – Thắng Mỹ diệt ngụy” khắc trên hòn đá đặt trong Khu di tích cấp quốc gia "Đồng Khởi 1960” và biểu tượng “Ngọn lửa Đồng Khởi” trên nóc nhà Bảo tàng. Thế hệ “hậu duệ” của Cô Ba Định giờ cũng rất thuỳ mị, dịu dàng với mái tóc dài, áo bà ba đúng điệu Bến Tre và xem chừng còn khéo tay hơn trong việc chế biến những món ngon từng rất nổi tiếng ở Mỏ Cày và khắp Cù lao Minh như: Mắm tép, Cá ngát nấu chua với trái bần dốt, bánh bột gạo, rau mơ hấp…Ngồi bên bờ Hàm Luông vừa nghe đờn ca tài tử vừa nhâm nhi những món đặc sản nầy thì chỉ có mà say đến… “mút mùa Lệ Thuỷ”
Ra biển Thạnh Phong
Trước đây từ quận lỵ Thạnh Phú muốn ra miệt biển Thạnh Phong chỉ có hai cách: Theo con nước ngồi đò từ bến ở chợ Giồng Chùa mất khoảng 4-5 tiếng; cách thứ hai là cuốc bộ mất khoảng 7 tiếng đồng hồ; do không có đường xe. Nay thì quốc lộ 57 đã mỡ rộng thênh thang ra tận bờ biển kết nối với tuyến đường quốc phòng dài đến 30km bao quanh các xã biển Hoà Lợi, Mỹ An, An Điền và Thạnh Hải.
Bên sông nước Hàm Luông
Đến Thạnh Phong, đừng quên đến Bia tưởng niệm 21 nạn nhân trong vụ thảm sát Thạnh Phong năm 1969 để thắp hương. Chúng tôi phải để ô tô ngoài đường lộ và đi bộ qua một đoạn đường dài gần 300 mét để đến một ngã ba trong khu dân cư có nhà cửa nằm san sát bên nhau. Đọc những dòng chữ trên tấm bia, ai cũng rưng rưng xúc động. Sự việc xảy ra cách nay đã 50 năm, nhưng nay vẫn còn mang tính thời sự về những ký ức kinh hoàng của chiến tranh đã lùi xa…
Ngọc Quỳnh
Theo Báo Du lịch
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.