Vùng đất Cauchy China giàu đẹp P2
CAUCHY CHINA là một nước rộng lớn và giàu có hơn nước Champa. Vua của CAUCHY CHINA là một chiến binh hùng mạnh trong vùng đất. Ông ta có rất nhiều thương thuyền (lancharas) và ba mươi hoặc bốn mươi thuyền buồm (junks).
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đất nước Việt Nam chúng ta cũng đã nhiều lần được thay đổi tên gọi. Từ một tấm bản đồ được Hoàng gia Tây Ban Nha tặng, nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh đã viết loạt bài mạn đàm về dải đất hình chữ S dưới con mắt của các nhà hàng hải phương Tây xưa. Tạp chí Khám phá trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết khá thú vị và đầy ắp thông tin này.
Hình vẽ trong cuốn Phương đông kỳ diệu của Tome Pires
Quyển sách “A Suma Oriental de Tomé Pires” - (Phương Đông kỳ diệu) là văn bản tỉ mỷ nhất đầu tiên của phương Tây mô tả về phương Đông từ Biển Đỏ đến Nhật Bản. Quyển sách được cho là được viết trong khoảng 1512-1515, lúc đó ở nước Đại Việt ta là thời vua Lê Tương Dực, chưa có chuyện vua Lê chúa Trịnh. Ông viết:
"CAUCHY CHINA là một nước rộng lớn và giàu có hơn nước Champa. Vương quốc này nằm giữa Champa và Trung Quốc.
Vị vua là một chiến binh hùng mạnh trong vùng đất. Ông ta có rất nhiều thương thuyền (lancharas) và ba mươi hoặc bốn mươi thuyền buồm (junks). Quốc gia này có nhiều con sông lớn có thể chạy thuyền được. Không có nhiều người ở đó, họ tập trung nhiều ở gần biển. Đất nước của vị vua trải dài sâu vào trong đất liền. Ở Malacca đất nước của vị vua này được gọi là Cauchy China (Cauchy Chyna), để khỏi lẫn với tên của Cauchy Coulam.
Vua là một người ngoại đạo, và tất cả dân của Ngài cũng như vậy. Họ không thân thiện với người Moors (da đen). Họ không đi thuyền đến Malacca, nhưng đến Trung Quốc và đến Champa.
Họ không giỏi đi biển; tất cả họạt động của họ là ở trong đất liền. Họ có những lãnh chúa tuyệt vời. Nhà Vua nước này gắn kết với nhà vua của Trung Hoa bằng các cuộc hôn nhân. Vì không muốn gây chiến với Trung Quốc, ông ta luôn cử một sứ thần đại diện tại triều đình Trung Quốc ngay cả khi ông không muốn như vậy.
Vùng đất CAUCHY CHINA có rất nhiều ngựa. Vua nước này dồn nhiều sức cho chiến tranh, và ngài có vô số ngự lâm quân và bom đạn nhỏ… Rất nhiều bột thuốc súng được sử dụng ở nước của ngài, cả trong chiến tranh và trong các lễ lạt của vua quan và các trò vui chơi giải trí suốt ngày đêm. Tất cả các lãnh chúa, quý tộc trong vương quốc cũng như vậy.
Thuốc súng được sử dụng hàng ngày trong pháo thăng thiên (tên lửa) và tất cả các trò chơi thú vị khác, như chúng ta sẽ thấy, đó là một trong những mặt hàng buôn bán có giá trị ở xứ này.
Chủ yếu ở xứ này là vàng và bạc, nhiều hơn ở Champa; còn buôn bán trầm hương không nhiều như ở Champa. Ở xứ này có đồ sứ và đồ gốm – một số loại có giá trị lớn – và những thứ này được đưa từ đó đến bán ở Trung Hoa.
Họ có các loại lụa (taffeta) Cauchy tốt hơn, lớn hơn rộng hơn và đẹp hơn lụa của mọi nơi khác, kể cả của Trung Hoa. Họ có tơ nguyên chất tốt nhất (?) màu sắc rất phong phú. Tất cả những thứ gì họ có đều được làm một cách tinh tế và hoàn hảo, không có những khiếm khuyết như ở các xứ khác. Họ cũng có ngọc trai nhưng không nhiều.
Thứ hàng hóa đầu bảng được đánh giá cao tại Cochin China là lưu huỳnh, và [họ sẽ mua] đến hai mươi thuyền nếu người ta có thể bán cho họ bao nhiêu cũng được; và lưu huỳnh từ Trung Quốc là CocMn (?) rất có giá trị. Đây là một cuộc làm ăn rất lớn từ Trung Quốc đến Malacca, đến các hòn đào của Solor nằm ngoài Java. Từ đây hàng hóa đi đến Cauchy China.
Một lượng lớn diêm tiêu [tức muối Kalinitrat để chế thuốc súng - TGN] cũng rất quý, và số lớn diêm tiêu được bán ở đó là từ Trung Hoa tới. Hồng ngọc, kim cương, ngọc bích và tất cả các loại đá quý khác cũng được giá, và cả thuốc phiện, nhưng ít giá hơn, hạt tiêu ít hơn nữa, và tương tự như vậy với những thứ khác có giá trị ở Trung Hoa. Hương liệu lỏng có giá khá tốt.
Người ở đây ít khi đến Malacca bằng thuyền của họ. Họ đi đến Trung Quốc, đến Quảng Đông là một thành phố lớn, hợp đoàn với người Trung Hoa (?); rồi họ đi thuyền đến Malacca để buôn bán chung với người Trung Hoa. Mặt hàng chính của họ là vàng bạc và những thứ họ mua được ở Trung Hoa”.
http://khampha.vn
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.