Xuôi chuyến phà đêm băng qua dòng Châu Giang

Đến và đi chỉ trong vẻn vẹn 1 ngày, vậy mà ấn tượng của tôi về cuộc sống của người dân ở xứ Tân Châu, Châu Đốc (khu vực ngã 3 sông Châu Đốc) của tỉnh An Giang thật sâu đậm...

Lên xe khách ở TPHCM lúc 9 giờ tối, đúng 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại bến đò Châu Giang - điểm kết nối thành phố Châu Đốc với phường Châu Phong thuộc thị trấn dệt lụa nổi tiếng Tân Châu. Vì nhà người bạn đồng hành của tôi ở phía bên kia của bến phà nên chúng tôi lên chuyến phà đêm băng qua dòng Châu Giang hiền hòa để tìm chỗ ngả lưng chờ trời sáng.

1_nk_anh-chinh-trang-trai.JPG

Làng bè với vẻ đẹp nên thơ trong ánh nắng chiều

Bạn tôi là người dân tộc Chăm. Căn nhà của bạn là một trong số những căn nhà sàn gỗ có tuổi thọ trên dưới 100 năm ở thị xã Tân Châu này.

Nửa đêm mắt nhắm mắt mở không thấy rõ nhưng sáng sớm ra thì tôi thực sự rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp hết sức cổ kính, cùng lối kiến trúc, trang trí hoa văn mang đậm màu sắc Hồi giáo của căn nhà - nơi mà nửa đêm về sáng tôi đã lăn ra sàn ngủ một giấc ngon lành, mát rượi dù không hề có máy lạnh.

Thấy tôi trầm trồ, bạn khoe ngay rằng căn nhà của bạn đã vài lần được các nhà báo, phóng viên đến quay phim, chụp hình đăng lên những báo từ Trung ương đến địa phương.

2_nk_anh-chinh-trang-phai.JPG Tượng đài cá basa - biểu tượng của thành phố Châu Đốc

Điểm nổi bật của căn nhà không chỉ bởi tuổi thọ của nó mà còn ở hệ thống trụ cột, sà ngang, sàn gỗ, cầu thang… tất cả đều được làm từ những thân gỗ lim cực kỳ quý. Sau cả trăm năm tồn tại, bề mặt gỗ trở nên trơn bóng, giúp ngôi nhà có được vẻ đẹp độc đáo hơn.

Thăm quan ngôi nhà xong, chúng tôi đi bộ ra quán ngay gần bến phà để ăn sáng. Món được bạn tôi giới thiệu là bún cá với giá chỉ 10.000 đồng/tô. Món ăn rẻ mà không dở chút nào. Vị thịt cá lóc ngọt lịm, sợi bún mềm mịn và tan nhanh trong miệng, nước lèo có vị hệt như món bún mắm, rau sống rất tươi và giòn… tất cả hòa quyện lại tạo nên một thứ hương vị mà sau khi ăn 1 tô rồi, tôi vẫn tin là mình còn có thể ăn thêm tô thứ 2 mà không ngán.

3_nk.JPG Măng cụt trái nhỏ có hạt lép hoặc không hạt được bán trong chợ Châu Đốc

Theo chân bạn đi tản bộ khắp phường Châu Phong này, thứ tôi ấn tượng và nhìn thấy nhiều nhất là những thánh đường Hồi giáo. Ngoài một thánh đường lớn có tính chất trung tâm thì còn có rất nhiều thánh đường nhỏ.

Theo bạn tôi giải thích, đó là để đáp ứng nhu cầu hành lễ của người dân. Bởi đàn ông Hồi giáo mỗi ngày phải đến thánh đường hành lễ đọc kinh 5 lần, mỗi lần kéo dài trong khoảng 15 phút. “Không đi lễ là mình có tội lớn lắm”, bạn tôi - một thanh niên Hồi giáo - cho hay.

Dọc tuyến đường Nguyễn Tri Phương cặp sát mé bờ sông Hậu này, tôi vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều phụ nữ ăn vận kín đáo theo lối trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo. Bạn tôi giải thích, họ mặc đẹp theo đúng lễ nghi truyền thống như vậy là để đi dự tiệc.

4_nk.JPG

Món bún cá nổi tiếng

Bạn tôi khoe thêm là đám cưới của người Hồi giáo ở An Giang có rất nhiều tục lệ khác lạ so với đám cưới của người Kinh.

Trong đám cưới của họ không có tục rước dâu mà nhà trai sẽ đưa rể. Khách đến ăn cỗ không cần phải bỏ phong bì. Đạo Hồi thì không cho phép con chiên của mình uống rượu, bia và cũng không được ăn thịt heo. Vậy nên trong đám cưới, món ăn ưu tiên nhất là bò hoặc gà, vịt nấu càri ăn với cơm. Thức uống chỉ có duy nhất món trà đá. Đám tiệc ngày cưới vì vậy diễn ra nhanh gọn trong chừng hơn nửa tiếng đồng hồ là kết thúc.

Sau khi đi dạo khắp phường Châu Phong, thay vì lên phà để qua bên kia sông thăm quan thành phố Châu Đốc thì bạn tôi bắt 1 chiếc đò nhỏ để vượt qua ngã 3 sông Châu Đốc (là điểm giao giữa dòng sông Châu Đốc và dòng sông Hậu) để có thể vừa ngắm làng bè trên sông, vừa tiếp cận trực tiếp với chợ Châu Đốc từ phía bờ sông.

5_nk.JPG

Một ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1925

Làng bè nằm rải rác nơi ngã 3 sông này thực sự mang một vẻ đẹp vô cùng thi vị, khiến tôi không thể ngưng lại việc bấm máy chụp hình lia lịa.

Con đò cập bến - mặt sau của chợ Châu Đốc nổi tiếng. Điểm cập bến cũng là nơi dân buôn tứ xứ tụ tập, cung ứng hoàng hóa cho chợ Châu Đốc. Chợ có rất nhiều đặc sản, trong đó nổi bật nhất là các gian hàng trái cây được bài trí đẹp mắt, giá cả rất phải chăng. Chúng tôi mua 1kg măng cụt giá chỉ 20.000 đồng. 

Đúng như chị bán hàng giới thiệu, những trái măng cụt này là từ cây măng cụt cổ thụ, quả nhỏ nhưng ăn rất ngon, hạt lép hoặc không có hạt.

Vì mua sắm không phải là mục đích của chuyến đi nên chúng tôi chỉ dạo quanh chợ Châu Đốc, ăn một bữa trưa ở hàng cơm ven đường rồi nhanh chân tìm đến bức tượng đài cá basa nổi tiếng - cũng là biểu tượng của thành phố này.

6_nk.jpg

Gia đình người Chăm trong trang phục truyền thống nhiều sắc màu đang trên đường đi đưa rể.

Tượng được đặt sát mé sông, thuộc công viên ngã 3 sông ở Châu Đốc, cao 14m, phần tượng cá được bao bọc bằng thép inox rất chắc chắn. Tượng được cách điệu từ 1 bè cá mà phần ngọn là hình tượng con cá basa đang lao lên khỏi mặt nước rất thanh thoát.

Điểm kết thúc chuyến đi 1 ngày khám phá ngã 3 sông Châu Đốc của chúng tôi là cầu Cồn Tiên bắc qua dòng sông Châu Đốc hiền hòa. Ở trên cầu, khi buổi chiều dần buông xuống, chúng tôi có thể hướng ống kính về phía thượng nguồn để thu vào tầm mắt hình ảnh đẹp đến nao lòng của làng bè trên sông nước. Bởi khúc sông ấy chính là điểm tập kết đậm đặc nhất khi có đến cả vài ngàn ngôi nhà bè quy tụ.

Khi phải rời ngã 3 sông Châu Đốc để chuẩn bị quay trở lại thành phố vào tối hôm đó, trong tôi không khỏi cảm thấy luyến tiếc. 

Tiếc vì  chưa thực sự có thời gian để được cùng ăn, cùng ở với một gia đình gắn bó với nghề nuôi cá bè trên sông, để có thể hiểu hết những nét sinh hoạt đặc trưng đã kéo dài hàng nửa thế kỷ của họ. Đành hẹn sẽ trở lại trong một ngày không xa.

http://phunuvietnam.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.